Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu
Doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu
Giữa tháng 12 vừa qua, Tổng công ty Cà phê Việt Nam công bố xuất khẩu lô sản phẩm cà phê chế biến sâu đầu tiên mang thương hiệu Vietnam Coffee sang Trung Quốc. Lô hàng này bao gồm các sản phẩm cà phê chế biến sâu mang thương hiệu Vietnam Coffee - thương hiệu chủ lực của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), được sản xuất từ những hạt cà phê sạch, tuyển chọn kỹ lưỡng tại Tây Nguyên, vùng nguyên liệu nổi tiếng của Việt Nam.
Việc xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến sâu thương hiệu Vietnam Coffee không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn khẳng định sự chuyển mình của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe). Đây cũng là thành quả từ nỗ lực đầu tư vào công nghệ chế biến và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt của Vinacafe.
Đầu tư cho chế biến sâu là giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho cà phê Việt (Ảnh: Hoàng Gia) |
Trước đó, vào đầu tháng 12/2024, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE tổ chức buổi lễ giới thiệu sản phẩm và triển khai xuất khẩu 1 container 20 feet chứa 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm mang nhãn hiệu MISS EDE sang thị trường Hoa Kỳ.
MISS EDE là thương hiệu cà phê của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE. Container 20 feet được xuất khẩu đợt này chứa 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm mang thương hiệu hiệu MISS EDE sẽ được xuất khẩu đến thị trường Hoa Kỳ. Đây là sản phẩm cà phê hoàn chỉnh, được đóng gói tại Việt Nam, không phải cà phê nguyên liệu hay gia công nhãn mác.
Các sản phẩm này đều là cà phê được sơ chế theo quy trình lên men chất lượng cao, với dây chuyền sản xuất đạt chứng nhận FDA Hoa Kỳ, xuất phát từ vùng canh tác bền vững không xâm lấn rừng tự nhiên, đạt chứng nhận EUDR được quản lý bởi Simexco Đắk Lắk - đối tác chiến lược và đơn vị ủy thác xuất khẩu của MISS EDE.
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 đạt 89.941 tấn, với kim ngạch 511 triệu USD. Sản lượng này chiếm 5,4% tổng lượng xuất khẩu (chưa quy đổi về cà phê nhân) nhưng giá trị chiếm đến 12,5%. Giá xuất khẩu bình quân trong niên vụ này là 5.676 USD/tấn.
Sang niên vụ 2023-2024, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh tới 42%, lên mức 127.543 tấn, chiếm 8,8% tổng lượng xuất khẩu, trong khi giá trị đóng góp gần 18%, nhờ mức giá xuất khẩu bình quân tăng lên 7.616 USD/tấn.
Riêng tháng 11/2024, các doanh nghiệp xuất khẩu được 10.004 tấn cà phê chế biến, với kim ngạch đạt hơn 100 triệu USD. Mặc dù sản lượng chỉ chiếm 16,5% nhưng giá trị xuất khẩu lại chiếm đến 26,8% nhờ đơn giá xuất khẩu lên tới 10.025 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.
Xu hướng không thể đổi khác
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lương Văn Tự - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, hiện nay, xu hướng của thế giới là thế hệ trẻ thích uống cà phê hơn uống trà. Ngay ở Việt Nam cũng có thể thấy, chưa có một thời gian nào mà lượng quán cà phê Việt Nam phát triển nhanh đến như thế, hầu như chỗ nào cũng có quán cà phê, thế hệ trẻ thế giới thích uống cà phê hơn uống trà, nhu cầu tiêu thụ mỗi một năm đều tăng lên cao.
Thông thường, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) dự báo tăng tùy năm, thường từ 2-4%/năm nhu cầu tiêu thụ tăng. Trong khi đó, tác động biến động thời tiết, biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường của cà phê, ví dụ thời tiết nóng lên, có những vùng trước trồng được cà phê thì bây giờ ko trồng được nữa. Riêng Việt Nam có yếu tố khác với các nước trên thế giới là có các cây khác trồng có hiệu quả hơn, nên Tây Nguyên họ chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như sen, tiêu, bơ, sầu riêng… Điều này khiến diện tích không thay đổi nhưng mật độ cây thì giảm, dẫn đến sản lượng cà phê ở Việt Nam giảm khoảng trên 10%.
“Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành cà phê thì không thể chỉ trông chờ vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với người nông dân để đảm bảo được sản lượng và chất lượng vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư chế biến và xuất khẩu cà phê chế biến như rang xay, hòa tan… với giá trị cao” – ông Lương Văn Tự chia sẻ.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chia sẻ thêm, chế biến sâu và gắn sản phẩm với thương hiệu doanh nghiệp, cà phê Việt Nam mới thực sự được nhận diện trên thị trường quốc tế. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nguyên liệu nên người tiêu dùng nước ngoài dù thưởng thức cà phê Việt nhưng không biết đến nguồn gốc sản phẩm.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Danh Hữu - nhà sáng lập thương hiệu, Giám đốc điều hành MISS EDE cho biết, trong 5 năm thành lập, MISS EDE không ngừng tổ chức các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước. Cùng sự hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk và Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, MISS EDE đã được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia và quốc tế. Từ đó, MISS EDE tiếp cận được các nhà mua hàng ở nước ngoài, xâm nhập vào các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Lễ xuất khẩu container cà phê rang xay thành phẩm đầu tiên của thương hiệu MISS EDE đến thị trường Hoa Kỳ là bước ngoặt quan trọng của doanh nghiệp, một đóng góp nhỏ đối với ngành hàng cà phê và sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung. Để thuyết phục được đối tác Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm thành phẩm chế biến sâu, MISS EDE phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tiên phong trong việc tìm kiếm và nhập mua các sản phẩm cà phê đến từ vùng canh tác đạt tất cả tiêu chuẩn phát triển bền vững. Đầu tư cho chế biến là giải pháp mà MISS EDE kiên định thực hiện để định vị thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường.