Ảnh Internet |
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt mục tiêu thu gom, tiêu hủy thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu và cải thiện, phục hồi môi trường đối với 70 điểm tồn lưu bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu gây ra. Để khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại các cơ sở, khu vực công ích, Chính phủ yêu cầu đầu tư xây dựng 3 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 535 tỷ đồng.
Đối tượng được ưu tiên bố trí vốn Chương trình bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các dự án, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình theo các quyết định như: 1788/QĐ - TTg, số 1964/QĐ - TTg, 187/2007/QĐ - TTg…; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật mới phát sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu, ngoài việc điều tra, đánh giá, xác định mức độ và phạm vi ô nhiễm 70 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng… cần triển khai các hoạt động xử lý khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Theo đó, phải di dời các công trình và người dân sống trên khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Bên cạnh đó, tiến hành cô lập, cách ly, bao vây ngăn chặn ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu ra môi trường xung quanh; xây dựng các hệ thống an toàn để ngăn ngừa người dân và gia súc tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm. Đồng thời, tiến hành xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường (đất, nước, không khí) đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về môi trường. Ngoài ra, tiến hành quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trong và sau quá trình xử lý. Lập báo cáo xác nhận việc hoàn thành các nội dung xử lý, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, xây dựng dự án đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải; tìm kiếm nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…