Xu hướng tiêu dùng Tết Ất Tỵ, đơn giản, tiết kiệm
Sức mua tăng yếu
Ngày 24/1 (tức 25 tháng Chạp), dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tuy nhiên, ghi nhận tại thị trường, sức mua chỉ tăng nhẹ. Theo các tiểu thương tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, Tết Nguyên đán năm nay đến khá sớm, cùng với bối cảnh kinh tế và tâm lý người tiêu dùng năm nay vẫn còn một số khó khăn nhất định khiến họ có xu hướng thắt chặt hầu bao trong chi tiêu. Nếu không có bất thường lớn về thời tiết thì nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Hà Nội vào dịp Tết sẽ khá dồi dào, giá cả không có biến động nhiều hoặc tăng nhẹ.
Không khí mua sắm Tết tại siêu thị GO! Thăng Long. Ảnh Nguyễn Hạnh |
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt gà ta (gà sống) phổ biến ở mức 120.000 – 140.000 đồng/kg (tùy địa bàn); giá thịt lợn nhích nhẹ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg (tùy loại); giá nhiều loại thực phẩm như: Cá, thịt bò, thủy hải sản không có nhiều biến động.
Trong khi đó, theo ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP. Hà Nội, năm nay sức mua hàng Tết yếu hơn so với mọi năm, dù giá cả bình ổn. Mặc dù, nhiều doanh nghiệp bán lẻ còn tung ra các chương trình khuyến mãi sâu để kích cầu tiêu dùng. Đáng chú ý, thay vì mua sắm ồ ạt, người tiêu dùng tập trung vào những sản phẩm ít nhưng đảm bảo chất lượng.
Chị Thu Trang (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nay là một năm có nhiều khó khăn do đó chúng tôi chỉ mua những hàng hóa cần thiết để mua cho dịp Tết.
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, theo các thương nhân tại hai chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, dù Tết đã cận kề, nhưng hiện sức mua còn chậm, chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, các sạp vẫn nhập hàng đầy đủ và tăng hơn so với ngày thường để phục vụ cho nhu cầu dịp Tết, với mức giá tăng nhẹ so với ngày thường.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, sức mua giảm đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là thói quen tiêu dùng thay đổi sau dịch Covid-19. Trong khi đó, mua sắm trực tuyến ngày càng nở rộ, các siêu thị hiện đại tung nhiều chương trình khuyến mãi...
Để có thể cạnh tranh, buộc các chợ đầu mối phải tự nâng cấp, khẳng định chất lượng hàng hóa, các dịch vụ của chợ để trở thành điểm đến hấp dẫn của bạn hàng, người tiêu dùng. Đặc biệt, cần hướng đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình kinh doanh.
Nguồn cung hàng nông sản tương đối dồi dào
Trong báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ trước Tết Ất Tỵ năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đối với tình hình thị trường, cung - cầu và kiểm soát hàng hóa trong dịp Tết, trong tháng 1/2025, giá cả hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp Tết nguyên đán được đảm bảo.
Người dân Thủ đô mua sắm hàng Tết tại siêu thị AEON Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Giá gạo biến động tăng (gạo 25% và 5% tấm tăng 1.000 đồng/kg), giá lúa giảm nhẹ (giảm gần 1.000 đồng/kg). Giá rau củ tại Lâm Đồng giảm nhẹ, tại Hà Nội không biến động nhiều hoặc tăng nhẹ do không có bất thường lớn về thời tiết, nguồn cung dồi dào.
Giá các mặt hàng trái cây ghi nhận tăng ở một số địa phương phục vụ dịp lễ ông Công, ông Táo. Già gà ổn định ở mức tăng nhẹ (gà công nghiệp tăng 250 đồng/kg, gà lông màu tăng 1.333 đồng/kg).
Giá heo hơi biến động giảm nhẹ, khu vực miền Bắc dao động từ 67.000-69.000 đồng/kg, khu vực miền Trung và Tây Nguyên dao động từ 66.000-67.000 đồng/kg, tại miền Nam duy trì từ 61.800-69.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ chân trắng, tôm sú tháng 1/2025 ghi nhận sự biến động về giá cả với xu hướng tăng nhẹ ở một số tỉnh. Giá tôm sú tại Cà Mau biến động tăng tùy loại từ 8.000-13.000 đồng/kg. Tại Phú Yên ổn định so với tháng trước, giá tôm thẻ ổn định ở mức 270.000 đồng/kg đối với cỡ 30-40 con/kg.
"Nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, dự báo mức chi tiêu của người dân năm nay không tăng đột biến, bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay là đơn giản, tiết kiệm", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm hiện nay, qua thông tin cập nhật từ các cơ sở kinh doanh như siêu thị, tập đoàn bán lẻ, các chợ đầu mối... lượng hàng hóa nông sản phục vụ Tết khá dồi dào, phong phú, chưa có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Các doanh nghiệp, nhà phân phối được yêu cầu chủ động trong điều phối hàng hóa, không để tình trạng găm hàng, tăng giá dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán.
Còn theo Báo cáo số 24-BC/BCS ngày 23/1/2025 của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, TP. Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các kế hoạch, để phục vụ nhân dân trên địa bàn đón Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh.
Theo đó, thời điểm sắp diễn ra Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hoạt động kinh doanh, sản xuất diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân có xu hướng tăng; giá cả của các loại dịch vụ, hàng hóa về cơ bản có tăng nhẹ do sức mua tăng nhưng phù hợp với quy luật thị trường trong dịp này, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường.
Về mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng; giá rau, củ, quả đang giữ mức ổn định không có tình trạng tăng giá đột ngột hay thiếu hụt hàng hóa; về mặt hàng xăng dầu, tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong TP đều chấp hành đúng quy định, không có tình trạng găm hàng, cắt giảm thời gian, giảm số lượng bán hàng, tăng giá bất hợp lý.
Căn cứ vào dự báo về nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo và định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Đến nay, các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng tăng trung bình từ 5-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tăng cường 30-35% hàng hóa tại các điểm bán sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85- 90%); lượng hàng hóa luân chuyển về các chợ đã tăng 15-20% so với ngày thường. Đến thời điểm hiện tại, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tiết kiệm là xu hướng mua sắm dịp Tết Ất Tỵ
Trước đó, theo khảo sát của Buzzmetric, người tiêu dùng Việt Nam mang tâm lý thận trọng, hứng thú khi mua sắm Tết cũng giảm bớt phần nào. Đồng thời người tiêu dùng cũng theo xu hướng đơn giản hóa ngày Tết, tiết chế mua sắm ăn uống, mà dành thời gian cho gia đình và cá nhân.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị GO! Ninh Thuận. Ảnh: Thành Tân |
Tuy nhiên, Tết Âm lịch vẫn là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt, vậy nên nhu cầu hàng Tết vẫn cao. 34,4% người Việt vẫn ưu tiên chi tiêu cho quà Tết. Điều này trở thành động lực mua sắm chính. Trong bối cảnh kinh tế và tâm lý người tiêu dùng như vậy, mùa mua sắm Tết năm nay nổi bật hai xu hướng chính.
Thứ nhất, người tiêu dùng cân nhắc yếu tố giá cả nhiều hơn trước và ưu tiên sản phẩm thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Thay vì chọn hàng xa xỉ, người Việt chuyển hướng sang các mặt hàng thiết yếu và những dịch vụ cơ bản, bao gồm: Thực phẩm chức năng - dinh dưỡng (45%); chăm sóc cá nhân (43%); thời trang (45%); thực phẩm và đồ uống không cồn (42% và 38%)
Thứ hai, người tiêu dùng ưu tiên tính tiện lợi, đơn giản và tiết kiệm. Do đó, mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử dần lên ngôi. Người tiêu dùng chuộng thương mại điện tử nhờ sự tiện lợi và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như voucher giảm giá hoặc miễn phí vận chuyển.
Trước xu hướng của thị trường và tâm lý, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng có những chiến lược để có một mùa doanh số Tết trọn vẹn.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các doanh nghiệp và những chương trình kích cầu, sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 dự kiến tăng 5%. Doanh số bán lẻ online dự kiến tiếp tục bùng nổ trong dịp này, với kỳ vọng tăng 45 - 47% so với dịp Tết 2024. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, đơn giản hóa mua sắm.
Trong khi đó, các tiểu thương tại chợ dân sinh cũng kỳ vọng, sức mua bị nén lại thời điểm này sẽ được bùng nổ vào những ngày cận Tết. Bởi tâm lý chung của người dân vẫn là một cái Tết đủ đầy để đón một năm mới phát đạt, bình an.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội: Cũng không thể tránh khỏi một số mặt hàng có giá cả tăng trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng đầu vị như thịt lợn thăn, thịt bò tươi, thuỷ hải sản cao cấp, rau và hoa quả… nhưng chỉ là xuất hiện mang tính cá biệt về cả về thời gian và địa điểm, việc này không làm ảnh hưởng chung đến không khí mua sắm tết của đa số các gia đình trong dịp này. |