Thứ ba 24/12/2024 20:54

Xu hướng mỹ phẩm thiên nhiên lên ngôi: Đâu là lối đi cho thương hiệu Việt?

Xu hướng sử dụng mỹ phẩm từ thiên nhiên "lên ngôi" khiến thị trường tỷ USD tiếp tục sôi động. Các thương hiệu Việt cần tìm cách cập nhật để đáp ứng nhu cầu này.

Phát huy thế mạnh dược liệu của Việt Nam

Chia sẻ với Báo Công Thương bên lề Triển lãm quốc tế về sản phẩm, công nghệ và dịch vụ làm đẹp - Beautycare Expo 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) cho biết, trào lưu sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên đang là xu hướng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

"Việt Nam là đất nước có nhiều bài thuốc y học cổ truyền, làm đẹp lâu năm, nền tảng về thảo dược rất phong phú. Cộng thêm công nghệ hiện đại đã biến sản phẩm thiên nhiên trở thành sản phẩm làm đẹp rất tốt và được ưa chuộng", Phó Chủ tịch VNPS nói.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam

Theo ông Hoàng, sau một quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phong cách sống cũng như xu hướng "skincare" của phái đẹp đã có những thay đổi nhất định. Họ thường có xu hướng "thiên nhiên hóa" lối sống, ưu tiên quan tâm chăm sóc sức khỏe và nhan sắc với các sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên lành tính, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn.

Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng ưa chuộng mỹ phẩm thiên nhiên của người tiêu dùng nên đã phát triển các dòng sản phẩm mới từ nguyên liệu bạc hà, hồi, nghệ, bồ kết…

Các thành phần chiết xuất từ thiên nhiên không qua xử lý hóa chất, không chứa thành phần nhân tạo, chất tạo màu, chất cồn nên đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng.

Với hành lang pháp lý ngày càng cụ thể và chặt chẽ của Nhà nước, ngành mỹ phẩm Việt đã sang một trang mới, các sản phẩm có thương hiệu đều đạt chuẩn chất lượng đồng nhất, rất an toàn cho da nên người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường mỹ phẩm thiên nhiên trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki trong năm 2023 được thực hiện bởi Metric (Nền tảng phân tích số liệu thị trường), doanh thu ngành hàng này đạt 31,4 triệu USD. Các shop kinh doanh bán với mức giá phổ biến từ 200.000 - 500.000 đồng.

"Năm 2023 đã chứng kiến sự bùng nổ của thị trường mỹ phẩm thiên nhiên tại Việt Nam, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc và sự đa dạng hóa sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng coi trọng sức khỏe và làn da, dẫn đến nhu cầu cao về mỹ phẩm thiên nhiên. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới cho các hãng mỹ phẩm tham vọng phát triển thị phần nhiều hơn so với hiện tại, cũng như những hãng mỹ phẩm mong muốn bắt đầu thâm nhập vào thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam", ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ

Liên tục vận động bắt kịp thời cuộc, Thorakao - một trong những thương hiệu nội "vang bóng một thời" đã đưa những nguyên liệu thuần Việt như chanh, nghệ, dưa leo, gấc... vào các dòng sản phẩm.

Hiện Thorakao có 3 dải sản phẩm là dưỡng tóc, dưỡng toàn thân và dưỡng da. Thương hiệu này ra mắt gần như đủ loại sản phẩm cơ bản cần thiết của một chu trình chăm sóc da như: Sữa rửa mặt, nước hoa hồng, serum, kem dưỡng ẩm, chống nám, trắng da, kem lột, chống nhăn...

Trong khi đó, Cocoon ra mắt vào năm 2013 đã nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều nguyên liệu đa dạng như cà phê (Đắk Lắk), hoa hồng hữu cơ (Cao Bằng), nghệ (Hưng Yên), đường thốt nốt (An Giang), dầu dừa (Bến Tre)... Trong quá trình quảng bá mỗi sản phẩm, họ đều đính kèm câu chuyện về nguyên liệu được sử dụng.

Cỏ Mềm cũng là doanh nghiệp mỹ phẩm Việt tham gia nhiều "sân chơi" nhất, từ chăm sóc da, make-up, đến nước hoa, chăm sóc nhà, sản phẩm cho em bé... "Chúng tôi làm tất cả vì sức khỏe người tiêu dùng, giống như slogan của thương hiệu: 'Sản phẩm lành - Chất lượng thật", CEO Cỏ Mềm HomeLab Trịnh Đặng Thuận Thảo tiết lộ.

Cả Cocoon lẫn Cỏ Mềm đều có chiến lược phát triển sản phẩm khá giống nhau, với các dòng sản phẩm cho việc chăm sóc da (mặt và toàn thân), tóc và bám rất sát xu hướng thế giới. Sử dụng rất nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam và rất biết cách kể chuyện.

Nhờ chất lượng tốt, giá cả phải chăng, sản phẩm của Cocoon và Cỏ Mềm rất được giới trẻ ưa chuộng và là những thương hiệu nổi bật trên các sàn thương mại điện tử.

Tận dụng thế mạnh thương mại điện tử

Với tốc độ tăng trưởng 30%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã thu hút hầu hết các "đại gia" mỹ phẩm toàn cầu như: L’Oreal, Kanebo, Ohui, Whoo, The Body Shop, The Faceshop, Shiseido, Yves Rocher, L’Occitane, Clarins, Pureté By Prôvence… Họ đều đồng loạt tung ra các dòng mỹ phẩm, dầu gội và dầu dưỡng tóc có chứa Vitamin C và E từ thiên nhiên.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt, do đó đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ.

Ở góc độ nhà sản xuất, ông Phan Phương Bắc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa mỹ phẩm Hương Mộc nhận định, nhiều thương hiệu nổi tiếng và lâu đời trên thế giới đang nắm giữ phần lớn thị phần trong nước đồng nghĩa với các thương hiệu mỹ phẩm Việt gặp rất nhiều thách thức để chiếm lĩnh thị phần.

Các doanh nghiệp Việt đang tận dụng thời cơ để giành thị phần tại phân khúc mỹ phẩm thiên nhiên, organic

Theo ông Bắc, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp nội địa là nguồn lực nhỏ, nên việc triển khai đầu tư từ khâu nghiên cứu chưa bài bản. Các chiến lược truyền thông, quảng bá chưa đủ sức hấp dẫn để người tiêu dùng sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm.

Lợi thế của các thương hiệu "ngoại" là mẫu mã đẹp và sự phong phú về chủng loại, trong khi đó, hệ sinh thái các nhà cung cấp về mẫu mã bao bì, chai lọ, công nghệ in ấn trong nước chưa thực sự bắt kịp với thế giới. Điều này dẫn đến việc các sản phẩm mỹ phẩm Việt khi ra thị trường còn rất đơn điệu và tương đối phổ thông, không có điểm nhấn, khó có thể cạnh tranh.

Ngoài ra, "nút thắt" về nguyên liệu cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước cần phải tính toán rất kỹ khi xoay sang thị trường ngách này. Hiện nay, dược liệu được bán với giá rất cao, chất lượng không ổn định. Nguồn cung không có tính cạnh tranh, nhiều vùng trồng dược liệu không tuân thủ bất cứ tiêu chuẩn nào, chỉ chạy theo năng suất và giảm giá thành, dẫn đến chất lượng dược liệu tốt xấu lẫn lộn.

Do vậy, để chiếm được thị phần và cạnh tranh được với các "ông lớn" nhiều lợi thế, ngoài việc thay đổi mẫu mã, bao bì bắt mắt và có hệ thống phân phối chuyên biệt, đa dạng, thì các thương hiệu trong nước còn phải sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào.

Đặc biệt, trong xu thế phát triển thương mại điện tử, các thương hiệu Việt cần nắm bắt cơ hội để tạo đột phá, vươn ra thị trường quốc tế rộng lớn, khai thác tiềm năng mạnh mẽ của sản phẩm "Made in Vietnam". Tham gia sàn thương mại điện tử không chỉ mang đến cơ hội được quảng bá, mở rộng thị trường mà doanh nghiệp cũng chủ động nhận được phản hồi, đánh giá của khách hàng, tạo tiền đề cải tiến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường"

"Đây sẽ là "bước đệm" để các thương hiệu Việt có thể bước vào thị trường trước khi nghĩ đến việc chiếm lĩnh thị phần với các thương hiệu khác và phát triển lâu bền", ông Bắc nhấn mạnh.

"Các thương hiệu mới muốn gia nhập thị trường, nên tập trung vào việc xây dựng lòng tin và tạo dựng uy tín trong mắt khách hàng bằng cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên và các thành phần an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dùng.

Đồng thời, việc đưa ra thông tin chính xác về sản phẩm và những lợi ích của nó cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách hàng.

Hiện nay, xu hướng thị trường đang chuyển đổi sang sản phẩm organic, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, các thương hiệu cần tìm cách cập nhật và phát triển sản phẩm của mình để đáp ứng được nhu cầu này. Các nhà sản xuất phải không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời phải tìm cách tăng tính cạnh tranh và thu hút khách hàng"

TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý Mỹ phẩm

(Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế)

Nguyên Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Mỹ phẩm

Tin cùng chuyên mục

Giá vàng miếng và vàng nhẫn hôm nay (24/12): Diễn biến trái chiều

Giá lúa gạo hôm nay ngày 24/12: Gạo tiếp đà giảm nhẹ, lúa có xu hướng quay đầu

Thị trường hàng hóa hôm nay 24/12: Giá cà phê Robusta tăng nhẹ, dao động quanh mốc 5.000 USD/tấn

Giá heo hơi hôm nay 24/12/2024: Đồng loạt đà tăng giá trên cả nước

Giá bạc hôm nay 24/12/2024: Bạc đồng loạt tăng

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 24/12/2024: Đồng Yên Nhật biến động trái chiều giữa các ngân hàng

Tỷ giá USD hôm nay 24/12/2024: Đồng USD phục hồi, đồng Euro giảm

Giá tiêu hôm nay 24/12/2024: Giá tiêu trong nước hôm nay trái chiều với thế giới

Giá cà phê hôm nay 24/12/2024: Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm nhẹ

Giá xăng dầu hôm nay 24/12/2024: Giá dầu giảm do lo ngại về thặng dư

Giá vàng hôm nay 24/12/2024: Vàng trong nước lấy lại đà tăng

Dự báo giá vàng ngày mai 24/12/2024: Tiếp tục diễn biến trái chiều

Dự báo giá cà phê ngày mai 24/12/2024: Giá cà phê có xu hướng ổn định sau đợt giảm

Dự báo giá tiêu ngày mai 24/12/2024: Giá tiêu trong nước ngày mai biến động giảm

Giá vàng chiều nay 23/12/2024: Vàng SJC tăng nửa triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng miếng và vàng nhẫn hôm nay (23/12): Vàng nhẫn áp sát vàng miếng

Giá lúa gạo hôm nay ngày 23/12: Gạo biến động nhẹ, lúa tươi có xu hướng tăng

Giá heo hơi hôm nay 23/12/2024: Tiếp đà tăng, miền Bắc đạt ngưỡng 69.000 đồng/kg

Giá bạc hôm nay 23/12/2024: Bạc thế giới tăng nhẹ

Tỷ giá Yen Nhật hôm nay 23/12/2024: Đồng Yên Nhật sẽ tăng hay giảm trong tuần này?