Xu hướng liên doanh, hợp tác trong ngành thực phẩm và đồ uống
Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam vốn được đánh giá rất tiềm năng khi chiếm khoảng 15% GDP, cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng cho mặt hàng này chiếm khoảng 35%. Tuy vậy F&B là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh và danh tiếng của doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của khách hàng. Chính vì thế trong 2 năm trở lại đây, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều điểm yếu của ngành F&B, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, phân phối, quản trị nhân sự.
“Tác động của dịch Covid-19 lần này sẽ là một phép thử sức đề kháng đối với những doanh nghiệp kinh doanh ngành F&B. Để tồn tại và trụ vững, các doanh nghiệp F&B cần có sách lược đối phó bài bản và quản trị khủng hoảng. Trong đó, công tác nhận diện, đánh giá, đo lường những thách thức mà doanh nghiệp sẽ gặp phải để đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời là quan trọng nhất. Tốc độ chuyển đổi và chất lượng dịch vụ sẽ quyết định sự sống sót của các doanh nghiệp F&B khi đại dịch Covid-19 đi qua”- một chuyên gia marketing nhận xét.
Trong bối cảnh đó, để ứng phó với tác động của Covid-19, các doanh nghiệp F&B gần đây đã tăng cường việc M&A hoặc liên doanh, liên kết hợp tác với những doanh nghiệp trong các ngành khác như bán lẻ để phát huy thế mạnh của nhau, giúp sản phẩm cạnh tranh tốt hơn.
Mô hình “Kiosk Phúc Long” tại các cửa hàng VinMart+ |
Theo đó, vào cuối tháng 5/2021 Công ty TNHH The Sherpa - một công ty thành viên của Masan Group đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty CP Phúc Long Heritage - một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam với giá trị giao dịch 15 triệu USD. Đáng chú ý, trong khuôn khổ giao dịch, VinCommerce đã thiết lập thỏa thuận hợp tác chiến lược với Phúc Long để cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.
“Tôi tin rằng sự đồng hành cùng Masan sẽ giúp thương hiệu Phúc Long đạt được sự phát triển ở tầm cao mới, tiếp tục mang đến những sản phẩm và trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời cũng giúp thương hiệu Phúc Long tồn tại lâu dài”, ông Lâm Bội Minh - Cổ đông sáng lập của Phúc Long Heritage - chia sẻ.
Không thực hiện M&A nhưng mới đây Tập đoàn KIDO đã chọn hình thức hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim (doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25) để cùng đầu tư phát triển mảng bán lẻ; sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu và xuất khẩu thực phẩm.
Theo thỏa thuận ký kết, sản phẩm của chuỗi Chuk Chuk của Tập đoàn KIDO sẽ có mặt trong hệ thống các cửa hàng của GS25. Dự kiến đến cuối 2022, Chuk Chuk sẽ có mặt tại tất cả các cửa hàng của GS25. Trong giai đoạn 2023 - 2026 hai bên sẽ từng bước đưa thương Thương hiệu Chuk Chuk mở rộng khắp toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên cũng sẽ tiến hành đánh giá xem xét kết hợp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm. Lợi thế sẵn có của KIDO là về nghiên cứu và phát triển sản phẩm và có hệ thống các nhà máy sản xuất với dây chuyền công nghệ hàng đầu tại Việt Nam.
Với hợp tác này, ông Trần Lệ Nguyên - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO - tin rằng, Chuk Chuk cũng như các sản phẩm khác thuộc hệ sinh thái của KIDO sẽ có thể đồng hành cùng SơnKim Retail đi xa hơn nữa.
Ngoài ký kết hợp tác này, vào giữa năm 2020, KIDO đã bắt tay Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thành lập Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev với tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%, còn KIDO là 49%. Đến tháng 11/2021 vừa qua những sản phẩm đầu tiên của liên doanh Vibev đã chính thức tham chiến thị trường.
Cũng trong xu hướng liên doanh, để mở rộng thị trường xuất khẩu, vào tháng 8/2021 Vinamilk đã công bố đối tác liên doanh tại Philippines là Del Monte Philippines, Inc. (DMPI), công ty con của Del Monte Pacific Limited và là một doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Philippines. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 6 triệu USD, trong đó Vinamilk và đối tác góp 50% mỗi bên. Liên doanh sẽ nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Vinamilk, sau đó được tiếp thị và phân phối tại Philippines thông qua DMPI.
Cùng với việc liên doanh, hợp tác, các doanh nghiệp F&B cũng đang nhanh chóng ứng dụng công nghệ để chuyển đổi bán hàng theo phương thức online cũng như liên tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng.