Xe điện hóa - giải pháp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu
Xu hướng của toàn thế giới
Khi nghĩ tới xe điện, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ tới một loại xe chỉ cần dùng điện từ ắc quy hay pin là chạy được. Nhưng thực sự, xe điện mang ý nghĩa rộng hơn. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thuật ngữ mô tả chính xác về loại xe này được gọi là “xe điện hóa”. Có 4 dòng xe điện hóa bao gồm: Xe điện hybrid, hay còn gọi là xe lai (HEV), dùng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu là xăng hoặc dầu diesel. Xe điện hybrid sạc ngoài hay xe lai sạc ngoài (PHEV) chạy bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài, có tích hợp động cơ đốt trong để tích hợp nguồn điện trên xe suy giảm. Xe điện hoàn toàn hay xe thuần điện (BEV) chạy hoàn toàn từ điện sạc từ nguồn bên ngoài. Xe điện pin nhiên liệu (FCEV) sử dụng khí hydro từ bình nén trộn với oxy lấy từ không khí để tạo ra điện để chạy xe. Mỗi dòng xe đều đóng góp giảm phát thải khí CO2 và các chất gây ô nhiễm ra môi trường nên tốt cho sức khỏe của con người cũng như góp phần bảo vệ sự sống trên trái đất bền vững.
Xe điện hóa hiện đang là xu hướng của toàn thế giới, châu Âu đã vượt qua Trung Quốc, trở thành thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới. Tại các quốc gia Đông Nam Á, xu hướng sử dụng xe điện hóa cũng sẽ trở thành điều tất yếu khi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng nghiêm trọng ở khu vực này, đặc biệt là các thành phố lớn.
Với các ưu thế mà xe điện hóa mang lại, cuộc đua điện khí hóa ôtô đang bắt đầu diễn ra mạnh mẽ tại một số quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong đó, nhiều quốc gia đang thúc đẩy phát triển dòng xe này bằng các chính sách ưu đãi. Giai đoạn từ 1992 - 2004, Thái Lan áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô dựa trên dung tích động cơ; năm 2004, cách thức tính thuế thay đổi, chuyển từ dung tích sang lượng nhiên liệu tiêu thụ. Từ năm 2016, Thái Lan lại thay đổi một lần nữa, áp dụng thuế dựa vào mức phát thải CO2. Còn với Indonesia, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng 20% sản lượng xe ôtô bán ra, bao gồm xe thuần điện và xe hybrid vào năm 2025 và tăng dần lên hơn 25% vào năm 2030.
Ôtô thuần điện là loại xe thông minh, có nhiều tiện ích công nghệ nên gần đây được người dùng tại Việt Nam quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, do chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe thân thiện với môi trường, nên xe thuần điện tại Việt Nam vẫn còn rất hiếm hoi và rất ít hãng xe kinh doanh dòng xe này. Nếu tính trên tổng số các dòng xe điện hóa, hiện số lượng xe điện hóa đăng ký tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, thậm chí ngay cả khi so sánh với các nước ASEAN. Hết năm 2020, Việt Nam mới chỉ có hơn 1.000 xe, trong đó, hơn 90% là xe hybrid. Con số này của Thái Lan gấp tới 35 lần so với Việt Nam.
Rõ ràng, xe thuần điện là xu thế tất yếu nhưng cần rất nhiều chiến lược, công nghệ, giải pháp để hiện thực hóa và phù hợp với các nước phát triển hơn trong tương lai trung hạn. Tại các nước đang phát triển, họ chọn cả xe thuần điện và xe hybrid là chiến lược bởi những ưu thế rất lớn của xe hybrid.
Cần chính sách đồng bộ
Một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, việc chuyển đổi sang sử dụng xe chạy điện hóa, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu tại Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã sớm đưa ra định hướng phát triển ngành công nghiệp ôtô theo hướng tốt hơn cho môi trường thể hiện qua các Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 và Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ đề ra, đòi hỏi phải có các chính sách phù hợp, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển loại xe này.
Vừa qua, tại Hội thảo về xe điện hóa được Báo Giao thông phối hợp cùng các bộ, ban, ngành và các bên liên quan tổ chức, nhiều chuyên gia và đại diện các bộ, ngành đã nhận định, trong giai đoạn ngắn và trung hạn, xe hybrid phù hợp tại nước ta. Gần đây, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu thêm đối tượng xe hybrid, xe hybrid sạc ngoài thuần điện, xe điện sử dụng nhiên liệu hydro để có chính sách khuyến khích theo từng mức độ và đảm bảo bình đẳng trong chính sách.
Bởi rất nhiều lý do như xe hybrid không cần tới bất cứ hạ tầng giao thông riêng biệt nào, có thể sử dụng chung mọi đường sá hiện tại, rất tối ưu trong tiêu thụ nhiên liệu và phát thải, ví như chiếc Corolla Cross 1.8HV chỉ tiêu tốn lượng xăng hay phát thải CO2 chỉ bằng một nửa so với xe đốt trong cùng dung tích động cơ, điều này giúp chúng ta bảo vệ môi trường tốt hơn. Toyota Việt Nam tin rằng, xe hybrid sẽ đảm bảo bước chuyển nhịp nhàng, tránh gián đoạn cho bước chuyển từ xe xăng dầu truyền thống sang xe thuần điện, người dùng có thời gian làm quen với loại phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Mẫu xe hybrid phổ thông đầu tiên được hãng xe Nhật mang về phân phối là Corolla Cross vào tháng 8/2020 và đang nhận được những phản hồi tích cực với doanh số cộng dồn 16.515 xe, liên tục vào Top 10 xe bán chạy nhất thị trường hàng tháng, trong đó có hơn 12% là phiên bản 1.8HV sử dụng động cơ hybrid, vượt mức kỳ vọng hãng đặt ra.
Bên cạnh những con số về việc tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid có chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tương đương xe có xăng, chỉ thêm bước làm sạch lọc gió. Cũng bởi xe hybrid gần gũi và sử dụng không khác gì các loại xe dùng động cơ đốt trong, nên việc chuyển đổi của người tiêu dùng sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn xe điện.Xét toàn diện, cần có những chính sách phù hợp cho cả xe hybrid và xe thuần điện để đảm bảo sự nhịp nhàng của nền công nghiệp ôtô Việt Nam, cũng là bước đệm cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang xe hybrid trước khi chuyển hoàn toàn sang xe điện. |