Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Yếu tố “cốt lõi” trong định vị thương hiệu
Dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn văn hoá doanh nghiệp cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam cho biết, tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp là tạo nên sự gắn kết lâu dài, đây cũng là yếu tố quyết định sự vững mạnh của một đội ngũ và sự phát triển bền vững của một tổ chức.
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam |
Điều này cũng tác động đến chiến lược định hình hướng đi và cách đi của công ty trong tương lai, khả năng ra quyết định, thái độ hướng đến khách hàng, khả năng làm chủ của nhân viên để ra quyết định trong chính công việc của họ.
"Chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là phần cốt lõi trong chiến lược định vị thương hiệu của tổ chức" - CEO Nguyễn Trịnh Khánh Linh nói, đồng thời cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ thành công khi bản thân doanh nghiệp thật sự “hiểu” cách tiếp cận nào, phương pháp nào là phù hợp nhất với các yếu tố nội tại của công ty mình để có thể tự triển khai hoặc cùng đơn vị tư vấn (nếu có) xây dựng dựa trên “bản sắc” riêng biệt và định hướng phát triển khác biệt của chính doanh nghiệp mình.
Theo CEO Nguyễn Trịnh Khánh Linh, khả năng hiểu được định hướng, mục tiêu, sứ mệnh mà công việc và tổ chức đang tồn tại rất quan trọng vì nó sẽ là "kim chỉ nam" cho mọi tư duy, quyết định và hành động của từng nhân sự trong tổ chức, và giúp tổ chức giữ được cốt cách, giá trị cốt lõi và đạt được những mục tiêu kinh doanh đề ra.
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh rất thích quan điểm của Howard Schultz - Giám đốc điều hành Starbucks nói về văn hóa và thương hiệu: “Trong xã hội luôn thay đổi này, những thương hiệu mạnh mẽ và lâu bền nhất đều được xây dựng từ trái tim. Chúng có thực và bền vững. Nền tảng của họ vững chắc hơn bởi vì chúng được xây dựng bằng sức mạnh của tinh thần con người, không phải là một chiến dịch quảng cáo. Những công ty tồn tại lâu dài là những công ty nguyên mẫu và thực chất”.
Vị CEO Dale Carnegie Việt Nam tin rằng văn hóa - cách tư duy, hành xử, tương tác, nỗ lực của đội ngũ là cách nhanh, thật và “đủ tư cách” nhất trong việc định vị và vun đắp cho giá trị thương hiệu của tổ chức mình. Nói ngắn gọn thì văn hóa doanh nghiệp chính là “nhân hiệu - thương hiệu” của cả tổ chức.
Một khác biệt đặc thù của văn hóa doanh nghiệp trước và trong đại dịch là tính linh hoạt và thích ứng của các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp nhằm giúp cho công ty có thể tồn tại và trụ vững qua đại dịch. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số trong 3 năm gần đây đã tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho những chuyển hướng tập trung trong văn hóa doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2020-2022, phần lớn giải pháp tư vấn và triển khai về phát triển năng lực tổ chức của Dale Carnegie đều xoay quanh 3 chủ đề lớn phổ biến: Hoạch định chiến lược và phát triển đội ngũ kế thừa; năng lực thích ứng linh hoạt của tổ chức, lãnh đạo thích ứng linh hoạt và sáng tạo và đổi mới.
Trong suốt hành trình 15 phát triển, Dale Carnegie Việt Nam đã có nhiều đóng góp đáng kể cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nhân tại Việt Nam, tiêu biểu như: Hợp tác với hơn 1.000 công ty, tổ chức ở Việt Nam (trong đó 70% là công ty đa quốc gia và 30% là công ty Việt Nam).
Đào tạo, huấn luyện và tư vấn cho hơn 54.000 học viên, hầu hết giữ vị trí lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung và trưởng nhóm. Không những vậy, với các hoạt động tiên phong và nhiều chiến dịch góp phần hỗ trợ cộng đồng, Dale Carnegie Việt Nam cũng “may đo” riêng cho mình văn hóa doanh nghiệp đặc sắc và đậm tính “bản địa”, được nhìn nhận như một hình mẫu và đại diện tiêu biểu cho doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo và hướng đến kinh doanh bền vững.