Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Doanh nghiệp bị lãng quên
Văn bản quy phạm pháp luật tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp |
Lợi ích “kép”
Thực tiễn cho thấy, rất nhiều góp ý của DN đã phát huy tác dụng trong quá trình xây dựng, hình thành các văn bản luật. Đơn cử như trong lĩnh vực vận tải biển, cơ quan quản lý đưa ra quy định bắt buộc phải lưu trữ chứng từ vận tải bằng giấy. Xét thấy điều này bất hợp lý, các DN vận tải biển kiến nghị chuyển sang phương thức lưu trữ hồ sơ điện tử. Đề xuất được chấp thuận, lưu trữ hồ sơ điện tử đã rút ngắn được công sức quản lý cho cơ quan nhà nước từ 208 ngày công/năm xuống chỉ còn dưới 10 ngày/năm, thuận lợi và giảm chi phí cho DN.
Trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu, cơ quan chức năng yêu cầu DN phải ký quỹ tới 80% giá trị lô hàng với lãi suất không kỳ hạn tại Quỹ Bảo vệ môi trường. Điều này gây nhiều khó khăn về tài chính, thiệt thòi cho DN. Hiệp hội Thép và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã kiến nghị cho DN ký Quỹ Bảo vệ môi trường tại ngân hàng, lãi suất thỏa thuận, mức ký quỹ chỉ cần từ 10%- 20% giá trị lô hàng. Kiến nghị hợp lý trên đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- cho rằng: DN nên chủ động góp ý về chính sách nếu điều đó thuận lợi cho việc kinh doanh hiệu quả. Ngược lại, nếu phía cơ quan nhà nước lắng nghe, xem xét, cân nhắc ý kiến của DN thì sẽ có được những quy định pháp luật sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đảm bảo được mục tiêu quản lý nhưng vẫn tạo được điều kiện thuận lợi cho DN.
78% doanh nghiệp không được tham vấn
Dẫn thông tin từ kết quả điều tra về Chỉ số “Xây dựng và thực thi pháp luật kinh doanh của các bộ (MEI)” và Chỉ số “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” năm 2014 do VCCI thực hiện, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có tới 66% DN cho rằng rủi ro về chính sách là một trong ba rủi ro lớn nhất họ gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Theo thống kê của VCCI, mỗi năm có khoảng hơn 1.000 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành, trong số đó có tới 70% liên quan đến hoạt động kinh doanh của các DN. Tham vấn ý kiến DN để đưa ra được các quy định pháp luật sát thực tiễn, có tính khả thi, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước nhưng vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, có tới 78% DN phản hồi 2 cuộc điều tra nêu trên cho biết, chưa bao giờ họ được các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tham vấn ý kiến.
Hệ quả của việc không tham vấn, lắng nghe ý kiến DN đã khiến văn bản quy phạm pháp luật có khi vừa ban hành xong đã phải sửa đổi, bổ sung. Thậm chí, có những quy định không khả thi trong thực tiễn gây rất nhiều vướng mắc, khó khăn cho DN trong sản xuất, kinh doanh.
Việc tham vấn, tiếp thu ý kiến của DN trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, dẫn tới DN gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh. |