Xây dựng tượng đài Bà Triệu trăm tỷ ở Thanh Hóa: Làm gì để dư luận đồng thuận cao?
Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản thống nhất về mẫu phác thảo bước hai tượng đài Bà Triệu thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.
Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến cộng đồng để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai.
Theo Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông qua, thì dự án đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu có diện tích khoảng 1,4 ha, tượng đài Bà Triệu trên núi Gai, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu cao 36 m, chất liệu bằng đồng.
Mẫu phác thảo bước hai tượng đài Bà Triệu vừa được Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất |
Tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tượng đài Bà Triệu có quy mô khoảng 5 ha. Trong đó, các hạng mục như: nhà đón tiếp kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm trong khuôn viên tượng đài Bà Triệu; sân, quảng trường khu tượng đài; đường dạo xung quanh tượng đài; đường lên núi…
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 256 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh, vốn do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam quyên góp và nguồn huy động hợp pháp khác khoảng 106 tỷ đồng, khoảng 150 tỷ đồng là vốn do Tập đoàn Sun Group tài trợ (thông tin từ Báo Văn hóa cho hay).
Dư luận cho rằng, Thanh Hóa là một tỉnh đang trên đà phát triển và hội nhập, nhưng cuộc sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, cần được quan tâm để thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần lắng nghe ý kiến đóng góp từ các vị lão thành, các cơ quan chuyên môn để có một công trình nghệ thuật phù hợp, xứng tầm. Không phải cứ được tài trợ là “vung tay quá trán”. Bởi tiền nào thì cũng là tiền của dân!
Còn nhớ năm 2020, UBND huyện Yên Định có báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, xin chủ trương về việc xây dựng tượng đài Bà Triệu cao khoảng 12-18m, tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Dư luận xôn xao vì thông tin huyện này nợ tiền tiếp khách... lên đến 52 tỷ đồng.
Xa hơn nữa vào tháng 10/2008, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất thông qua mẫu phác thảo tượng của các nhà điêu khắc Hoàng Nhân và Vũ Ngọc Thành. Đến ngày 29/5/2019, tại giao ban của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa mẫu phác thảo tượng Bà Triệu cũng đưa ra bàn thảo. Theo kế hoạch, tượng Bà Triệu sẽ được đặt tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Quy mô tượng đài cao 22,5m; rộng 15,3m; dày 6,3m được làm bằng đá xanh đen Thanh Hoá. Địa điểm xây dựng tượng đài là trên đỉnh núi Gai. Như vậy đến nay lại thay chất liệu đồng, lý do tại sao cũng cần công khai khi xin ý kiến nhân dân. Tại sao không tiếp tục sử dụng chất liệu đá xanh đen được lấy từ chính quê hương Thanh Hoá để có thể vừa giảm giá thành vừa tăng thêm ý nghĩa, vừa hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ địa phương phát triển?
Báo Đại đoàn kết từng đặt câu hỏi: Vậy đã có kế hoạch dựng tượng đài Bà Triệu ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt rồi thì huyện Yên Định có cần thiết dựng tượng đài Bà Triệu nữa không?. Lý do UBND huyện Yên Định đưa ra để xây dựng tượng đài Bà Triệu là Bà Triệu là anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đông Ngô năm 248 ở vùng đất Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên, hay gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hoá).
Trong khi đó, số kinh phí dự toán dựng tượng Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện (hay Quảng trường Bà Triệu), thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định lên tới gần 20 tỷ đồng. Nguồn kính phí từ ngân sách và xã hội hóa. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-2023. Quảng trường Bà Triệu có diện tích 79.616m2, trong đó đất xây dựng tượng là 1.901m2, chiếm tỉ lệ 2,34%, chiều cao tượng khoảng 12-18m. Còn lại là các công trình phụ trợ và khu thể dục thể thao, vui chơi trẻ em...
Trong các hạng mục này, theo báo chí vào năm 2020 cho biết, chỉ riêng tượng Bà Triệu chưa được xây dựng, còn các hạng mục khác đã được phê duyệt và đang tiến hành.
Đến đây dư luận không khỏi băn khoăn khi chỉ ở một tỉnh Thanh Hoá có nhiều tượng đài Bà Triệu đến vậy, chưa kể nhiều di tích liên quan khác, nên chăng Thanh Hoá cũng cần quy hoạch các tượng đài sao cho tránh sự lãng phí?
Có thể nói còn không ít điều cần bàn để việc xây dựng khu tượng đài Bà Triệu tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân!