Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân làm trung tâm
Xây dựng nền ngoại giao kinh tế lấy phục vụ làm trọng tâm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng dự hội nghị tại trụ sở Chính phủvà các điểm cầu có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, 94 đồng chí đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại ở nước ngoài, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023. |
Hội nghị lần này được tổ chức ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư.
Tăng cường công tác ngoại giao kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: "Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước"; "Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".
Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư là một văn bản quan trọng của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; trong đó xác định: "Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…" và đề ra các định hướng, nhiệm vụ ngoại giao kinh tế trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới, hết sức quan trọng của đất nước.
Triển khai Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phương châm: "Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước" với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.
Phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre” trong lĩnh vực kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị này được tổ chức sau gần 2 tháng kể từ Hội nghị triển khai công tác của ngành Ngoại giao, trong bối cảnh tình hình đã có những thay đổi. Chính phủ đã kịp thời ban hành Chương trình hành động trên cơ sở bám sát Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và diễn biến tình hình trong nước, thế giới, khẩn trương triển khai Chỉ thị 15 theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng đánh giá thời gian vừa qua, với tinh thần làm việc khẩn trương, chủ động, quyết liệt, ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng, đóng góp cho đất nước theo hướng phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Thủ tướng nhắc lại, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển. Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực (với 3 thành tố chính là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa), là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế. Đây là lĩnh vực rộng, đan xen nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội; trong khi thời gian Hội nghị không nhiều.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu |
Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, thảo luận, đánh giá sát và kiến nghị các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực để triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá sâu tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng, đề xuất các biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm… để cụ thể hóa, triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà ngoại giao, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và tham tán thương mại ở nước ngoài, trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế, trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến chóng, phức tạp, khó lường, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Thủ tướng đề nghị, cần tiếp tục phát huy bản sắc "ngoại giao cây tre" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bám sát, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giữ vững bản lĩnh, nguyên tắc nhưng chủ động, linh hoạt, mềm dẻo. Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực có hạn, công việc nhiều, yêu cầu cao, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, "đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả", góp phần thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…
Trình bày báo cáo trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 đã bám sát các trọng tâm điều hành của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu 6 trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2023, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ; xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm trong các hoạt động của lãnh đạo cấp cao; đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học-công nghệ... với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết quốc tế; chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu và đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế.
Tại hội nghị, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã thảo luận sâu rộng, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế trong năm 2023.