Xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, ngành chăn nuôi có những bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 6%/năm, sản lượng thịt năm 2021 đạt gần 7 triệu tấn, dự kiến năm nay sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với các Hiệp hội, ngành hàng về xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi |
9 tháng đầu năm 2022, đàn lợn hiện có quy mô rất lớn, đạt 28,6 triệu con, sản lượng thịt hơi 3,23 triệu tấn. Đàn gia cầm 533,4 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kì, trong đó gà chiếm 80%. Tổng đàn trâu 2,27 triệu con, giảm 1,1% nhưng thịt hơi tăng lên 88.000 tấn; bò 6,41 triệu con, tăng 3,4% so với cùng kì...
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi - đánh giá, chăn nuôi còn nhiều dư địa phát triển bởi có thị trường tiêu thụ lớn, với hơn 100 triệu dân, lại gần với thị trường Trung Quốc, nhưng để đạt tầm khu vực và thế giới thì còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, từ khoa học công nghệ, giống, thức ăn chăn nuôi, đến xử lí môi trường, tuy nhiên các khó khăn lớn vẫn còn, nhất là nút thắt cung - cầu làm hạn chế sự phát triển của ngành.
Trong khi đó, yêu cầu xây dựng ngành chăn nuôi chú trọng chất lượng giá trị, đáp ứng nhu cầu ăn ngon, ăn sạch ngày càng cao. Việc này đòi hỏi cần xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng chăn nuôi chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững theo chuỗi,…
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, chăn nuôi là trụ đỡ lớn của nông nghiệp, tăng trưởng bình quân đều đạt 4,5 – 4,6%/năm, nhưng làm sao có môi trường, hệ sinh thái cho ngành phát triển xứng tầm? Trả lời câu hỏi này, rất cần có sự tham gia, đồng hành của các hiệp hội, ngành hàng.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, hiện, ngành chăn nuôi đã có định hướng chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể và cơ sở hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Lĩnh vực chăn nuôi có thể chia các ngành hàng lớn, mang tính chủ đạo, ví dụ thịt lợn, thịt và trứng gia cầm; thịt trâu bò và sữa; nuôi yến; nuôi ong. Từ đó xây dựng chiến lược phát triển theo chuỗi cho từng ngành hàng một cách chi tiết, cụ thể.
“Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ngành chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng từ các mặt hàng nhập khẩu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi phải có đánh giá cụ thể từng ngành hàng, từ đó xác định rõ quy mô, xu thế tiêu dùng trong thời đại mới”, ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị.
Trước yêu cầu xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, sữa…, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm – cho rằng, chúng ta cần xác định ngành hàng nào là chủ lực trong 10 - 20 năm tới. Vai trò các chủ thể tham gia như thế nào (doanh nghiệp, nông dân, chủ trang trại, HTX...), kèm với đó là xác định được quy mô sản xuất, tiêu thụ ở đâu? Bởi hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lo ngại khi ngày càng lép vế so với doanh nghiệp ngoại. Các doanh nghiệp FDI với tiềm lực mạnh đang dần chiếm lĩnh thị phần cả trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tạo cơ chế thuận lợi cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phát triển tương xứng. Khi chưa có luật về hiệp hội ngành hàng, đề nghị Bộ ban hành quy chế, cơ chế làm việc với các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hàng quý, Bộ và các đơn vị họp với Hiệp hội ngành hàng để đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, có số liệu chính xác, qua đó lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn; quan tâm, quyết liệt hơn nữa để doanh nghiệp nội đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI...
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi đã có khung thể chế tương đối hoàn thiện gồm: Luật Chăn nuôi, 3 Nghị định, 5 Thông tư, 1 Chiến lược phát triển ngành, 1 Chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chăn nuôi chiếm 25,2% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, tăng trưởng ổn định từ 4 - 6% suốt 10 năm qua. Như vậy, về cơ bản, chúng ta đã hình thành không gian cho ngành chăn nuôi, nhưng để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta còn gặp những thách thức về dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu và thiên tai, biến động thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, biến động thị trường sản phẩm... Sự chênh lệch giữa doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngân sách đầu tư từ khối FDI hàng năm lên tới gần 4 tỷ USD. Nhóm này cũng là động lực xuất siêu chính của toàn ngành nông nghiệp, trong khi khối nội lại đang trong cảnh nhập siêu.
Tạo lập hệ sinh thái giữa cơ quan quản lý và hiệp hội chăn nuôi nhằm cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tinh thần "không để hiệp hội nào đứng ngoài cuộc, không bỏ lại doanh nghiệp nào phía sau". Với cam kết chủ động, phối hợp, sát cánh cùng hiệp hội, ông Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp sản xuất cùng nhóm mặt hàng, các doanh nghiệp thuộc cùng chuỗi giá trị tăng cường kết nối, hợp tác, thực hiện bằng được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển ngành.