Xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới: Kết quả từ các địa phương thí điểm
Kết quả từ các địa phương thí điểm
Xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn là nơi 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mường cùng sinh sống. Người dân chủ yếu kiếm sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông chọn Vi Hương là 1 trong 7 xã trên toàn quốc thí điểm chuyển đổi số, sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Điểm nhấn khác biệt ở Vi Hương còn thể hiện rõ trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản khi tiến hành chương trình chuyển đổi số nông nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Theo đó, với sự giúp sức của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông cùng sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, các hoạt động thương mại điện tử, phần mềm bán hàng đã được triển khai, hỗ trợ người dân quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương hiệu quả, tiếp cận đông đảo khách hàng trên cả nước.
HTX Thiên An (Bắc Kạn) đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng thu nhập cho các thành viên |
Đến nay, người dân xã Vi Hương đã có thể lướt Internet, một số hợp tác xã (HTX) lập fanpage bán hàng, kết nối sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, thu hút khách hàng. Nhờ vậy, thu nhập người dân cũng được cải thiện.
Như tại HTX Thiên An, trước đây giám đốc và các thành viên HTX không hề sử dụng mạng xã hội hay bán hàng online nhưng khi định hướng, hỗ trợ HTX chuyển đổi số bằng cách bán hàng qua mạng, hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, hiện thu nhập của các thành viên đều đạt khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng/người/tháng. Từ chỗ không ai bán hàng qua mạng, sử dụng công nghệ thông tin, đến nay, 100% thành viên HTX và các hộ liên kết đã thực hiện chuyển đổi số. Trung bình mỗi tháng, HTX Thiên An có khoảng 350 đơn hàng đặt online, chiếm đến 70% tổng số đơn hàng của HTX.
Còn tại xã Yên Hoà, Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, xã hội số, kinh tế số, chính quyền số là 3 trục xoay quanh việc chuyển đổi số cấp làng/xã, hướng đến xây dựng làng/xã thông minh trong xây dựng NTM. Về xã hội số, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã Yên Hòa được rà soát cập nhật, bổ sung cấu hình theo đúng quy định; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình; 100% cán bộ, công chức thuộc bộ phận một cửa được cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên; hệ thống thông báo qua nền tảng app “Công dân số” giúp người dân tiếp nhận các thông tin đồng thời có thể gửi phản ánh, kiến nghị…
Về kinh tế số, từ khi thực hiện chuyển đổi số tại xã Yên Hòa, trong thời gian 10 tháng (từ tháng 8/2020 đến hết 30/6/2021), số lượng sản phẩm bán ra là 4.204, tăng 4,5 lần; ước tính tăng thu nhập cho lao động của HTX từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng, gấp 3 lần so với trước đây.
Về chính quyền số, việc số hóa được xã Yên Hòa triển khai tại 2.092 địa chỉ, đảm bảo 100% số lượng địa chỉ gia đình, cơ quan, đơn vị đã có mã địa chỉ số (Vpostcode). Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện triển khai tại các nhà trường các dịch vụ, ứng dụng: Cổng thông tin điện tử (Portal); Dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS; Phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã sớm có chủ trương thí điểm triển khai xây dựng mô hình "xã thông minh", thí điểm tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Ông Nguyễn Đình Đức- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế- cho biết, mô hình thí điểm đang ở những bước đầu tiên nhưng đã thể hiện được một số ưu việt của mô hình như: hỗ trợ được việc điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, dự báo về môi trường, chia sẻ dữ liệu quan trắc, giám sát các dữ liệu phục vụ cho nuôi trồng, sản xuất tại địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành một cách khoa học và chặt chẽ.
Vẫn còn nhiều thách thức để phát triển một mô hình làng thông minh
Tại Hội thảo xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng NTM do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã tổ chức chiều ngày 11/12, ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương - cho biết, làng/xã thông minh là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn.
Hội thảo xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh trong xây dựng NTM do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã tổ chức chiều ngày 11/12 |
Làng/xã thông minh tổng thể là mô hình phát triển tối ưu, là đích phát triển của khu vực nông thôn trong tương lai. Tuy nhiên để có thể phát triển một mô hình toàn diện đòi hỏi nguồn lực con người, tài chính và thời gian chuyển biến, áp dụng, và thích nghi một cách phù hợp. Với thực tế nguồn lực tại Việt Nam trong thời gian trước mắt rất khó có thể phát triển một mô hình làng thông minh tổng thể mà phải thí điểm và triển khai các làng thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể. Các địa phương tùy vào điều kiện, nguồn lực và tiềm năng địa phương có thể chọn triển khai một hay nhiều hợp phần cụ thể gồm: Thể chế thông minh; nguồn lực thông minh; hạ tầng thông minh; dịch vụ thông minh; sản xuất kinh doanh thông minh.
Ths. Đặng Tùng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, xây dựng mô hình làng/xã thông minh đạt hiệu quả, cần đưa nội dung chuyển đổ số vào Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, để chương trình được thành công cần sự ủng hộ, nhiệt tình tham gia của chính quyền địa phương và sự hợp tác của người dân. Bên cạnh đó, cần có sự tuyên truyền trên nhiều kênh, nhiều phương diện. Đồng thời cần có sự đào tạo kỹ năng cho người dân, hợp tác xã cách thức bán hàng trên mạng. Cần có nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan nhà nước để xây dựng, duy trì và phát triển.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương: Về đề xuất các giải pháp cho làng/xã thông minh, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng làng/xã thông minh. |