Xã hội hóa lưới điện truyền tải: Huy động tối đa nguồn lực
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016 - 2020, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 500 - 220kV so với phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh đạt khá cao, khoảng 70 - 90% so với yêu cầu quy hoạch. Đánh giá về hệ thống lưới điện hiện nay, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Việc tăng cường đầu tư, hiện đại hóa lưới điện đã có những tín hiệu tích cực, giúp chỉ tiêu tổn thất điện năng của toàn hệ thống điện năm 2020 đạt khoảng 6,42%. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng cao, thời gian đầu tư để đưa các công trình lưới điện vào vận hành ngày càng bị kéo dài nên hệ thống điện truyền tải vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan tới công tác vận hành lưới điện.
Huy động nguồn lực đầu tư lưới điện truyền tải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay |
Để giải quyết “điểm nghẽn” lưới điện truyền tải, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra phương án giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cần thêm khối lượng xây dựng mới 49.050MVA, cải tạo 34.200MV trạm biến áp (TBA) 500kV; xây dựng mới 11.988km đường dây 500kV; xây dựng mới 67.513MVA, cải tạo 32.747MVA TBA 220kV; xây dựng mới 15.643km đường dây 220kV.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 99,32 tỷ USD, trong đó, cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỷ USD). Nếu phát triển theo phương án phụ tải cao, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cần khoảng 1,42 tỷ USD dành cho đầu tư lưới điện truyền tải.
Nhiệm vụ cấp bách
Theo các chuyên gia, để gỡ “nút thắt” cho vấn đề này, cần thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải nhằm huy động tối đa nguồn vốn đầu tư, tuy nhiên, cần đưa ra định chế rõ ràng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang nghiên cứu về cơ chế xã hội hóa lưới điện truyền tải để sửa đổi trong khoản 2, Điều 4 của Luật Điện lực. Hiện nay, Chính phủ đã trình các Ủy ban của Quốc hội về cơ chế giải quyết. Theo đó, để đáp ứng giải tỏa năng lượng tái tạo, nhu cầu đầu tư các dự án truyền tải trong giai đoạn tới rất lớn. Chính vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần huy động nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư lưới điện truyền tải.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra, mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng đã định hướng rất rõ, phải có cơ chế, chính sách để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng, trong đó có cả hệ thống truyền tải và phải đảm bảo tách bạch độc quyền của nhà nước về vận hành, điều độ của hệ thống truyền tải, đảm bảo an ninh năng lượng.
Từ định hướng của Nghị quyết 55, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án chính sách phát triển xã hội hóa lưới điện trên cơ sở xác định được phạm vi cụ thể. Ngoài ra, về cơ chế giá truyền tải điện, theo ông Tuấn, các đơn vị tư nhân và các đơn vị truyền tải điện quốc gia đều có quyền và trách nhiệm như nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh hệ thống, Luật Điện lực đã đề cập đến việc nhà nước vẫn giữ nguyên quản lý, độc quyền trong điều độ, vận hành hệ thống điện.
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống điện, điểm mới trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này đã đề cập đến cơ chế các dự án phải tuân thủ đúng tiến độ đã đề ra trong quy hoạch. Theo đó, các dự án sẽ được rà soát, theo dõi định kỳ, nếu trường hợp không đáp ứng đúng mục tiêu có thể chuyển nhà đầu tư. |