WIPO muốn hợp tác với Việt Nam nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ trong kinh doanh
Tại buổi làm việc, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ gửi lời cám ơn sâu sắc đến Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và các đồng nghiệp tại WIPO vì sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực dành cho Việt Nam nói chung, và dành cho Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng.
Ông Hasan Kleib, Phó Tổng giám đốc WIPO làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ |
Trong đó, có thể kể đến việc hỗ trợ triển khai một số dự án về công nghệ thông tin như “Xây dựng hệ thống tự động về quản trị đơn sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS) tại Cục Sở hữu trí tuệ” hay “số hóa tài liệu sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ”.
Bên cạnh đó, hỗ trợ triển khai các dự án về khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ như “Xây dựng mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới (TISCs)” và “Xây dựng môi trường kiến tạo về sở hữu trí tuệ (EIE Project)”.
Mặt khác, hỗ trợ việc gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý như Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp hay Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế.
Ngoài ra, hằng năm cấp học bổng cho các cán bộ tham gia các khóa học trực tuyến và chuyên sâu do Học viện WIPO tổ chức và mời tham dự nhiều khóa đào tạo chuyên môn về sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, vừa qua, bên lề Phiên họp Đại hội đồng WIPO tại Geneva, Thụy Sỹ, Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó quy định các nội dung hợp tác phù hợp với định hướng phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Chẳng hạn như: Cập nhật, phổ biến và thi hành pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ; nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các chuyên gia, doanh nhân và cán bộ công chức thông qua việc hỗ trợ trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn của Cục Sở hữu trí tuệ;
Xây dựng năng lực cho Cục Sở hữu trí tuệ và các tổ chức trung gian về cung cấp hoạt động hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp đồng thời hỗ trợ các đối tượng này thông qua Mạng lưới trực tuyến dành cho doanh nhân của WIPO (EON).
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là về các kỹ năng cần thiết để tiếp cận và sử dụng tốt nhất cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ toàn cầu cũng như hỗ trợ của WIPO để mở rộng và củng cố mạng lưới quốc gia về TISCs tại Việt Nam, bao gồm cả việc dịch các tài liệu của WIPO sang tiếng Việt; cung cấp các tài liệu và nguồn thông tin tham khảo về sở hữu trí tuệ, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ theo nhu cầu của Việt Nam.
Ông Hasan Kleib, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (ở giữa) tham quan một số đơn vị tại trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ |
“Cục Sở hữu trí tuệ mong muốn nhận được sự quan tâm của ông Hasan Kleib - Phó Tổng giám đốc và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị đầu mối triển khai của WIPO (Vụ Châu Á - Thái Bình Dương và Văn phòng Phó Tổng giám đốc) để có thể triển khai thành công Bản ghi nhớ này” - ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh.
Trong quá trình Cục Sở hữu trí tuệ tham gia và theo dõi Ủy ban Phát triển và Sở hữu trí tuệ (CDIP) thời gian qua, Cục đang nghiên cứu khả năng và cách thức để tham gia một dự án phát triển hoặc xây dựng một đề xuất dự án phát triển trong khuôn khổ CDIP.
Vì vậy, Cục cũng mong muốn nhận được sự tư vấn và gợi ý của ông Hasan Kleib đối với nội dung này. Bên cạnh đó, đề nghị WIPO ưu tiên các hoạt động đào tạo cho cán bộ Việt Nam thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, thực tập sinh và làm việc tại WIPO.
Ông Hasan Kleib, chia sẻ, một trong những lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm và rất muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới đó là làm sao nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với các hoạt động kinh doanh và tạo công ăn việc làm - đây là mục tiêu rất quan trọng với các doanh nghiệp.
Qua đó, để chúng ta thấy rằng, sở hữu trí tuệ không chỉ liên quan đến bằng sáng chế, mà còn rất gắn kết với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, hay chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho các bên, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vấn đề này rất quan trọng.
Bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, ông Hasan Kleib nêu, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong WIPO đã có những nghiên cứu để chuyển hóa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thành chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.
Tính đến nay, Việt Nam đang là thành viên của 14 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Việt Nam cũng tích cực theo dõi, tham gia các phiên thảo luận một số văn kiện quốc tế mới về sở hữu trí tuệ như: Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp; Văn kiện quốc tế về nguồn gen, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian. |