WB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 5,5%
Nhìn lại năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi cú sốc từ tháng 4/2021 và đợt giãn cách xã hội trong quý III, cả năm GDP chỉ đạt 2,58%, song theo bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang diễn ra. Đặc biệt sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2021. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế đối ngoại vẫn tích cực, mặc dù thặng dư cán cân vãng lai đã giảm; dòng vốn FDI vẫn mạnh mẽ, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng.
WB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP khoảng 5,5% |
“Viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực. Đối với ngắn hạn, với giả định đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 5,5%. Dự báo này dựa trên giả định, sẽ không bùng phát dịch Covid-19 lớn tại Việt Nam, nền kinh tế phục hồi tương đối mạnh mẽ và khu vực kinh tế đối ngoại sẽ tương đối ổn định trong năm 2022 do Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tương đối tốt trong năm nay”- bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Ngoài ra, lạm phát cũng được dự báo ở mức 3,2-3,6%, vẫn ở dưới mức trần 4%. Cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt 1% vào năm 2021 sang thặng dư 1,7% GDP. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước ổn định ở mức khoảng 4,4% GDP. Trong trung hạn, nền kinh tế chỉ dự kiến chỉ quay về lộ trình tăng trưởng trước Covid-19 vào năm 2023, khi các ngành dịch vụ đã phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới. Đối với triển vọng trong trung hạn, báo cáo của WB cũng nêu bật kỳ vọng về nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh và tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2023.
Tuy nhiên, theo bà Dorsati Madani, triển vọng này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng rủi ro vẫn nghiêng về phía tiêu cực.
Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các biện pháp về chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục. Các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội cần xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.
“Bên cạnh những bất định liên quan đến hướng đi của đại dịch, các cấp có thẩm quyền cần hành động nhằm giảm thiểu tác động của những rủi ro tài khóa, xã hội và khu vực tài chính”- bà Dorasati Madani đề xuất.
Theo đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ tài khóa. Không giống như hầu hết các quốc gia khác, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa đáng kể nhưng chưa sử dụng đủ để hỗ trợ kinh tế năm 2021. Ngoài ra, trong trung và dài hạn, cơ quan quản lý tài khóa cần tiếp tục các nỗ lực củng cố tình hình tài khóa trong trung hạn, điều quan trọng là làm thế nào để cách thức thực hiện không ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng. Các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc cải cách về chính sách và quản lý thu chi.
“Tuy vậy nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong cả năm 2022 và 2023. Tất nhiên điều này phụ thuộc liệu có đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nào sẽ xảy ra trong năm 2022, cũng như nhu cầu phục hồi trong nước”- bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại
Báo cáo của WB chỉ rõ, khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19 và khi các cấp có thẩm quyền bắt tay vào triển khai tầm nhìn mới trong mô hình phát triển bền vững hơn qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, câu hỏi quan trọng được đặt ra là làm thế nào để chuyển đổi thương mại nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi đó.
Với tiêu đề “Không còn thời gian để lãng phí: Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam”, ấn phẩm báo cáo Điểm lại kỳ này cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại. Thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải carbon cao - chiếm một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước - và gây nhiều ô nhiễm.
Ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư WB tại Việt Nam - cho rằng, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm phát thải carbon trong các hoạt động liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với áp lực gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính, khách hàng và công ty đa quốc gia với yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ phải xanh và sạch hơn.
“Thương mại sẽ là hợp phần chính trong chương trình hành động vì khí hậu của Việt Nam trong những năm tới. Thúc đẩy thương mại xanh sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đảm bảo thương mại tiếp tục là nguồn tạo thu nhập và việc làm quan trọng”, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam - nhấn mạnh.
Báo cáo cũng khuyến nghị Chính phủ hành động trên 3 lĩnh vực: tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh, và phát triển các khu công nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và không phát thải carbon.