Vượt khó trong dịch Covid-19, Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép”
Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh tại Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện rõ những nguy cơ tác động vào địa bàn của một địa phương trọng điểm tuyến đầu vừa có đường biên giới trên bộ, trên biển, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hệ thống cảng biển và là trọng điểm giao thương.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – tỉnh đã sớm xác định công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân được thực hiện theo phương châm: phát hiện sớm, báo cáo trung thực, cách ly kịp thời, điều trị tính cực, nhanh chóng khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần tập trung, ưu tiên cao nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định hiện nay.
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong thực hiện việc khám sức khỏe toàn dân |
Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động dồn lực cho ngành y tế với việc thành lập 02 bệnh viện cách ly đặc biệt với hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, công suất 1.000 giường bệnh, xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Chủ động lập gần 100 chốt kiểm soát hoạt động 24/24 tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Quảng Ninh đã thực hiện đầu tiên việc khám sức khỏe toàn dân với 97% người dân trên toàn tỉnh, đặc biệt những người trên 60 tuổi có bệnh nền được thăm khám, tư vấn sức khỏe tại nhà.
Hơn thế nữa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh) là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước đã thực hiện được việc xét nghiệm để phát hiện Covid-19. Được tỉnh đầu tư hệ thống máy RT-PCR tự động, CDC Quảng Ninh đã áp dụng thành công kỹ thuật Realtime RT – PCR (kỹ thuật sinh học phân tử) để xét nghiệm Covid-19 chính xác và nhanh chóng. Tiếp đó, 1 máy tách chiết tự động nhanh đã được CDC Quảng Ninh đưa vào sử dụng, giúp rút ngắn thời gian thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chỉ còn hơn 3 tiếng. CDC Quảng Ninh đã thực hiện kỷ lục được 600 xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm mà những đơn vị trong tỉnh gửi về. Ngay sau khi tỉnh Quảng Ninh ban hành nghị quyết dành 1.200 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19, ngành y tế đã nhận được 2 xe cứu thương, 1 xe phòng dịch đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón 12.620 công dân Việt Nam về nước qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đón 27 chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với 4.092 người, thực hiện cách ly 650 trường hợp tại cơ sở y tế, 3.400 trường hợp tại cơ sở cách ly tập trung, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho trên 3.000 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp dương tính, hoàn toàn là những trường hợp người nước ngoài và lưu học sinh từ châu Âu nhập cảnh vào địa bàn.
Tỉnh Quảng Ninh cũng kịp thời động viên, hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu, như cán bộ y tế, quân đội, công an hiện nay đang tham gia công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện cách ly, các chốt kiểm dịch. Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ an toàn nhất cho các y, bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế có người mắc Covid-19.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đang cố gắng tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp ngành than, nhiệt điện, xi măng, xây dựng, dệt may... và các lĩnh vực ít chịu tác động của dịch Covid-19 để tăng năng suất, sản lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án chế biến, chế tạo, nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng lớn... Tạo sự thông thoáng về thủ tục, cắt giảm chi phí không chính thức, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ, đường biển. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản cũng được đẩy mạnh sản xuất, nhất là tốc độ tái đàn lợn, nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đang khan hiếm thực phẩm.
Đối với người lao động, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng rà soát, nắm chắc tình hình lao động việc làm tại các doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là các trường hợp cả vợ và chồng trong cùng một gia đình có con nhỏ bị mất việc làm, gặp khó khăn để kịp thời đề xuất có biện pháp hỗ trợ.
Tỉnh cũng sớm thông qua Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, quy định trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020) người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Số tiền này được trích từ chi ngân sách dự phòng các cấp, từ giảm kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, mua sắm tài sản, hội nghị, hội thảo… của tỉnh.
Như vậy cùng với các cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, cùng với TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh là địa phương thứ hai trong cả nước chính thức có cơ chế hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ kinh tế
Kết thúc quý I/2020, mặc dù lĩnh vực du lịch, dịch vụ - chiếm tỷ trọng tới 45,9% trong cơ cấu kinh tế năm 2019 của tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tổng số khách du lịch ước đạt trên 1,5 triệu lượt, giảm 72%, doanh thu từ du lịch giảm 69% so với cùng kỳ 2019. Song tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I ước tăng 7,2%, thuộc mức cao trong cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 13.067 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 9.801 tỷ đồng, bằng 26% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 3.255 tỷ đồng, bằng 29% dự toán. Đây là kết quả rất đáng trân trọng; là sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Đường bao biển nối thành phố Hạ Long - thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) sắp hoàn thành |
Hiện tỉnh đang rà soát các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất đã đủ điều kiện khởi công để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung giải quyết ngay các thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh trong quý II/2020.
Đối với các dự án, công trình vốn ngân sách nhà nước đã được phân bổ vốn đầu tư công năm 2020, yêu cầu các Ban quản lý dự án tỉnh, các chủ đầu tư và các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng, hoàn thành công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, tổ chức triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn. Phấn đấu đến quý II/2020, thực hiện giải ngân 100% nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án 196, chương trình 135; giải ngân hết 100% các nguồn vốn đầu tư công trước 30/9/2020.
Khởi công và sớm hoàn thành các dự án trọng điểm như đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường bao biển nối thành phố Hạ Long - thành phố Cẩm Phả, tuyến đường trục chính từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cầu Cửa Lục 1, 3… Trên cơ sở đó, sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo mục tiêu mới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường, tạo lợi thế thu hút các dự án đầu tư quy mô, bền vững.
Nhằm thúc đẩy tăng trường kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo các thủ tục cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án đã có trong chủ trương của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh kêu gọi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng hơn nữa, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chung tay cùng cả nước ngăn chặn và dập tắt đại dịch Covid-19.