Thứ hai 25/11/2024 01:16
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An:

Vượt định mệnh, dùng đôi chân khuyết nhược đi trao yêu thương

Là người khuyết nhược đôi chân, thế nhưng mang trong mình một trái tim lành lặn và đủ đầy yêu thương, Đặng Hoàng An đã san sẻ, hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh.

Vượt định mệnh

Anh Đặng Hoàng An (sinh năm 1991, quê Cần Đước, Long An), nguyên là giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao Giải thưởngTình nguyện quốc gia năm 2023 cho anh Đặng Hoàng An. (Ảnh: An An)

Biết anh từ những ngày trước, tôi không khỏi thán phục nghị lực, tấm lòng của chàng trai tuổi Tân Mùi. Cũng tại mảnh đất Cần Đước nơi An sinh ra, hình ảnh một chàng trai trẻ trên chiếc xe lăn hay trao những món quà nghĩa tình cho người dân khu vực, đã không còn xa lạ.

Câu chuyện về Đặng Hoàng An vượt qua biến cố, với bản thân người viết, đó hẳn là như một thước phim quay chậm, mà ở đoạn đầu có thể là tấn bi kịch, còn đoạn sau như một kết thúc có hậu, ngọt ngào.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An vượt định mệnh, dùng đôi chân khuyết nhược đi trao yêu thương (Ảnh: An An)

Ngược thời gian trở về năm 2009, Đặng Hoàng An đỗ vào Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục học thạc sĩ. Sau đó được giữ lại trường để làm giảng viên vào năm 2016.

Cũng chính năm 2016, khi đang là thạc sĩ, giảng viên Khoa Tâm lý học tại ngôi trường gắn bó từ thuở sinh viên, thì biến cố ập đến. An bị hạ đường huyết khiến té cầu thang ở nhà trọ, cú ngã ảnh hưởng đến tủy.

Trước đó, An bị sốt suy giảm tiểu cầu. Thế nên An không thể tương thích với những phác đồ điều trị phẫu thuật. Anh được bệnh viện trả về với đôi chân bị liệt hoàn toàn!

Khi nghe mọi người giới thiệu ở đâu có thầy thuốc giỏi thì cha mẹ đưa An đến để chạy chữa với kỳ vọng đôi chân được trở về nguyên vẹn.

Sau nhiều năm chạy chữa, nhưng đều mang lại cho An nỗi thất vọng. Tuy là một thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học, nhưng bản thân đứng trước một nghịch cảnh, khép lại nhiều hoài bão, An đôi lúc đã không chịu nổi. Bản thân anh cũng từng thừa nhận rằng, lúc biến cố ập đến đã nghĩ quẩn.

An tâm sự: “Lúc bị như vậy, tôi như rơi xuống vực thẳm. Vốn dĩ là một người hướng ngoại, năng động, tôi dần thu mình lại bởi mặc cảm với đôi chân đang lành lặn bỗng tật nguyền. Những cơn đau thuở ấy, như làm bản thân tôi muốn bỏ tất cả để tìm đến nơi “thanh thản”. Nhưng nghĩ lại, còn tía, còn má, tôi vẫn còn bình minh. Tía, má thời điểm đó dường như là niềm hy vọng cuối cùng cho bản thân tôi, để tôi vực dậy và cố gắng”.

Mang sức trẻ giúp đời

Không chấp nhận nghịch cảnh, An đã vẽ ra cho mình khung trời mới, quyết “lăn” qua biến cố.

Anh Đặng Hoàng An đã thành lập quỹ “Bước chân nhân ái” để giúp những hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết, cần xe lăn để di chuyển. (Ảnh: An An)

An bắt đầu viết cuốn tự truyện về cuộc đời mình, đồng thời lên ý tưởng khởi nghiệp. Chàng thạc sĩ tâm lý đã mày mò, tự nghiên cứu và tìm hiểu qua các mô hình trồng nấm sạch bào ngư xám rồi sau đó tập trung sản xuất. Được người bạn đồng nghiệp thuở xưa hỗ trợ một phần vốn, An đã mạnh dạn làm và lấy lại vốn sau một năm đầu. Thêm vào đó, An cũng thỉnh giảng tại các trường đại học tại TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các khoá đào tạo từ kỹ năng sống để kiếm thêm thu nhập.

An chia sẻ: “Ngoài việc trồng nấm để cung cấp thực phẩm sạch, thời điểm đó dành dụm một số tiền, tôi đã mua lương thực, thực phẩm tặng cho các cô chú bán vé số có hoàn cảnh khó khăn”. An cũng mang sản phẩm nấm mình trồng ra hỗ trợ các bếp ăn 0 đồng và những ngôi chùa tại tỉnh Long An. Đồng thời, anh thường xuyên đến các trường tiểu học, trung học cơ sở để đào tạo các khoá học kỹ năng miễn phí cho học sinh. Với số tiền chắt góp được, An đã cân đối để hằng tháng có thể hỗ trợ các trường hợp người khuyết tật khó khăn.

Anh Đặng Hoàng An thường xuyên đến các trường tiểu học, trung học cơ sở để đào tạo các khoá học kỹ năng miễn phí cho học sinh. (Ảnh: An An)

Bên cạnh đó, An cũng cùng Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc xã Long Định, tiếp sức đến trường cho trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, vận động hỗ trợ tập vở dụng cụ học tập cho các trẻ em vùng biên giới, kêu gọi xây một căn nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Khi phát hiện những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đang mang trọng bệnh tại huyện nhà, An cũng nhanh nhảu tìm những nguồn tài trợ giúp đỡ. “Ở huyện Cần Đước, những hoàn cảnh bị hoại tử chân, thay khớp háng, ung thư… không có tiền chạy chữa thì tôi hay vận động bạn bè đng nghiệp, nhà hảo tâm và các đơn vị thiện nguyện bạn cùng hỗ trợ”, An chia sẻ thêm.

Đơn cử như trường hợp anh Hoà Anh (quê xã Long Định, huyện Cần Đước), đang gặp bạo bệnh phải thay khớp háng mới may cứu được đôi khỏi bị bại liệt. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, Hoà Anh không có tiền chạy chữa, An biết tin đã vận động trên mạng xã hội và cùng một mạnh thường quân khác, hỗ trợ số tiền gần 80 triệu đồng để phẫu thuật thay khớp háng, giúp Hoà Anh cứu được đôi chân.

92 xe lăn trao tay người khuyết tật

Cũng trong lúc đi hỗ trợ nhiều người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật như bản thân, nhận thấy nhiều người khuyết tật chưa có “đôi chân”, anh bắt đầu vận động mua xe lăn tặng họ.

Trong 5 năm, anh An đã tặng 92 xe lăn cho những người khuyết tật. (Ảnh: An An)

Nghĩ là làm! Ngay sau đó, An đã thành lập quỹ “Bước chân nhân ái” để giúp những hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết, cần xe lăn để di chuyển. Quỹ này là sự chung sức của các nhà hảo tâm gần xa, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp,… nhằm tương trợ người yếu thế.

“Trong 5 năm từ 2019 đến nay, khi thành lập quỹ, tôi đã tặng 92 chiếc xe lăn cho người khuyết tật; tổ chức trung thu cho trẻ em trong huyện, thăm và tặng quà cho người dân hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương; hỗ trợ sữa và thức ăn cho người tâm thần ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An; thăm và tặng quà cho bà con và trẻ cô nhi ở các tỉnh lân cận…”, An bộc bạch.

Không chỉ tặng xe lăn cho những người khiếm khuyết, khi biết tin xe lăn của họ bị hư hỏng, An cũng tận tình đến giúp đỡ, sửa chữa.

Khi hỏi về nhiều hoàn cảnh được An hỗ trợ xe lăn, thạc sĩ tâm lý giọng bỗng nghèn nghẹn. “Tôi tiếc nhất là khi vừa tặng xe lăn, khi ấy người được nhận vui mừng vì có “đôi chân” mới. Nhưng nhiều hoàn cảnh bệnh nặng, chưa sử dụng được bao lâu đã phải giã từ cuộc đời”, An bỏ lửng câu nói giữa chừng.

Anh An hỗ trợ cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19. (Ảnh: An An)

Trong đại dịch Covid-19, ai nấy đều hoang mang, lo sợ. Chàng thanh niên với đôi chân khuyết nhược, vẫn không chịu khoanh tay ngồi nhìn. Nếu người khác đi lên tuyến đầu, thì An với đôi chân không cho phép đã ở tuyến sau, nhờ Hội phụ nữ phối hợp thay anh phát quà, nhu yếu phẩm cho người dân.

Cùng với đó, với chuyên môn là chuyên gia về tâm lý học, An đã đồng hành cùng người dân TP. Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch. An đăng ký và trở thành tư vấn viên tổng đài 1022 hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong đại dịch Covid 19 trong suốt nhiều tháng trời.

Nói về dự định và ước mơ, Đặng Hoàng An bộc bạch: “Tôi dự định, nếu mở được lớp học 0 đồng thì sẽ xây dựng quỹ để duy trì hoạt động lớp, song song với quỹ Bước chân nhân ái hiện tại. Ngoài lớp học, tôi còn mong muốn phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật, nơi các bạn được dạy nghề, học kỹ năng, hoàn thiện và phát huy thế mạnh”.

Anh Đặng Hoàng An được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022. (Ảnh: An An)

Bằng nghị lực, tâm huyết và những cống hiến cho cộng đồng, Đặng Hoàng An được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022 và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023.

Tấn Hiệp
Bài viết cùng chủ đề: Người khuyết tật

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Phú Thọ: Chủ tịch hội nông dân xã đầu tư tiền tỉ để chế biến, tìm đầu ra cho quả bí đao

Tình người lan tỏa từ 'khu chợ 0 đồng' của chàng trai một chân tại Bình Dương

Cô gái người Dao nuôi khát vọng xây dựng ngành dược liệu Việt vươn tầm quốc tế

Thủy điện Quảng Trị: Anh Nguyễn Trí Thức - Người lãnh đạo gương mẫu, tận tâm

Hỗ trợ người nghèo tham gia ‘lưới’ an sinh: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Người phụ nữ nuôi tham vọng đưa hạt sachi Việt Nam ra thế giới

Lai Châu: Lực lượng Cảnh sát cơ động 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát'

Thừa Thiên Huế: Người kỹ sư điện với cách làm ‘dân vận khéo’

Đồng Nai: Minh 'râu' bán rau và hành trình tặng rau miễn phí cho công nhân

Thanh Hóa: Già làng Thao Văn Sếnh hơn 30 năm bảo vệ giữ gìn cột mốc biên cương

Gia Lai: Dự án 'Hy vọng' ươm mầm cho tương lai trẻ nghèo vùng Chư Prông

Từ việc học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất: Giáo dục đạo đức cho con trẻ rất quan trọng

Quán cơm 0 đồng giúp đỡ người nghèo của chàng trai kinh doanh cho thuê xe ở Đắk Lắk

Nhóm kỹ sư AI Works và việc phát triển sản phẩm phục vụ ngành dầu khí

Nhân viên Điện lực Lâm Đồng trả lại 300 triệu đồng cho người chuyển nhầm tài khoản

Những người hùng thầm lặng ngày đêm bám ‘cung đèo tử thần’ giúp người gặp nạn ở Kon Tum

Quảng Ninh: Trung úy công an trả lại tiền, vàng nhặt được khi tuần tra cho một phụ nữ đánh rơi