Vươn ra thị trường nước ngoài
- Bằng chứng cho thấy, sản lượng năm 2003 của Công ty CP nhựa, bao bì Vinh đạt 30 triệu sản phẩm bao bì; doanh thu 69 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 1.150.000 đồng. Suy thoái kinh tế diễn ra từ năm 2011 và kéo dài đến nay đã làm nhiều DN lâm vào thế bế tắc, thậm chí bị buộc phải giải thể, năm 2012 công ty vẫn làm nên kỳ tích với 90 triệu sản phẩm, dẫn đầu trong số 19 DN sản xuất bao bì trên toàn quốc. Năm 2013, sản phẩm dự kiến của công ty là 100 triệu bao bì; doanh thu 600 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 6,5 triệu đồng/người/tháng; nộp 8 tỷ đồng tiền thuế cho huyện Nghi Xuân thay vì 6 tỷ (năm 2012
Sự thành công bước đầu đã giúp công ty mở ra nhiều hướng đi mới, một trong số đó là đầu tư tiếp tại khu công nghiệp thị trấn Xuân An (đầu năm 2015). Khi ấy, ngoài việc nâng năng suất, công ty sẽ tiếp nhận thêm nhiều lao động mới. |
Công ty nhựa, bao bì Vinh được thành lập vào năm 1997 và là thành viên thuộc Công ty Hợp tác QK4, với ngành nghề sản xuất chế biến nhựa và bao bì. Năm 2003, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trải qua những bước thăng trầm, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty luôn ổn định. Năm 2007, khi tỉnh Hà Tĩnh chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư, công ty đã nhanh chân nắm bắt cơ hội và bước đột phá cũng bắt đầu từ đó. Sau quá trình triển khai xây dựng và lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu từ Nhật Bản, CHLB Đức trên khuôn viên rộng 3,5 ha tại thị trấn Xuân An, với tổng số vốn đầu tư lên đến 80 tỷ đồng. “Năm 2012, sản lượng bao bì của công ty tăng đột biến, 70% hàng hóa sản xuất ra nằm tại khu vực này. Công ty còn tạo việc làm cho 400 lao động và hầu hết trong số đó là con em trong vùng” - Giám đốc Công ty CP nhựa bao bì Vinh Nguyễn Xuân Hải - hồ hởi nói.
“Thắt chặt đầu tư công” theo tinh thần Nghị quyết 11 kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó nhiều công trình không thể triển khai hoặc buộc phải đình hoãn không chỉ khiến những DN xây dựng cơ bản lâm vào tình trạng khó khăn mà những DN “sân sau” như sản xuất bao bì theo đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xi măng sản xuất không tiêu thụ được thì mua bao bì để làm gì?.
Là một thương hiệu có bề dày kinh nghiệm, đồng thời là thành viên sáng giá của Công ty Hợp tác kinh tế QK4, bởi vậy, trong những năm gần đây, DN đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Một trong những giải pháp được lựa chọn là vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Hiện có khoảng 30% lượng bao bì sản xuất của công ty xuất khẩu sang nước CHDCND Lào. Cùng với đó, phương châm: “Chân thành với khách hàng”,“ Khó khăn của đối tác cũng là khó khăn của mình” được quán triệt đến tất cả CBCNV. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh mức giá bán phù hợp, công ty còn thuyết phục đối tác bằng cách gia hạn nợ; đồng thời đưa ra một số chính sách khuyến mãi trực tiếp. Ngoài ra, công ty còn sản xuất ra sản phẩm mới theo đề xuất của khách hàng mà cụ thể là sản xuất bao bigbag, bao samboo có thể đựng được từ 1- 2 tấn xi măng rời. Bởi vậy, bên cạnh khó khăn chung, công ty vẫn có một số thuận lợi, như: nguồn nguyên liệu hạt nhựa nhập khẩu tuy mức giá có nhích lên nhưng lượng hàng vẫn ổn định, đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Đó là nguyên liệu sạch, vì vậy không gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thanh Tú