Vụ việc Evergrande - không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Được thành lập vào năm 1996 bởi Chủ tịch Hui ka Yan tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), Evergrande đã tăng tốc trong 2 thập kỷ qua để trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc với doanh thu 110 tỷ USD vào năm 2020. Vùng hoạt động của Evergrande trải dài 31 tỉnh với hơn 1.000 dự án. Evergrande niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông. Công ty này hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn về việc mất thanh khoản, tạo ra rủi ro không thể thanh toán các khoản nợ vay đến hạn. Cơ quan quản lý của Trung Quốc đã cảnh báo rằng khối nợ 305 tỷ USD của Evergrande có thể châm ngòi cho rủi ro quy mô lớn trên toàn hệ thống tài chính của nước này. Trong báo cáo tháng 8/2021, S&P Global Rating ước tính trong 12 tháng tới Evergrande sẽ phải trả nhà thầu 37 tỷ USD, trong đó gần 15,5 tỷ USD sẽ phải đáo hạn ngay trong năm nay.
Giá cổ phiếu của Evergrande lao dốc cũng làm thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm |
Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 20/9, giá cổ phiếu của Evergrande đã lao dốc giảm 16,93%. Cổ phiếu của công ty con phụ trách quản lý tài sản của Evergrande cũng sụt 12,6%, công ty con về xe điện giảm gần 8%, công ty con Hengten cũng rớt 12%. Điều này đã kích hoạt nỗi lo về khả năng vỡ nợ của Evergrande và tạo ra một làn sóng giảm giá cổ phiếu hàng loạt. Kéo theo chỉ số chính tại thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, như Hang Seng (-3,3%). Đà giảm tiếp tục ảnh hưởng lan sang thị trường các nước khác như Mỹ với Dow Jones đã chứng kiến sự giảm điểm vào lúc mạnh nhất là -2,8% nhưng đóng cửa đã phục hồi nhẹ còn giảm 1,78% trong ngày 20/9.
Cho đến ngày 21/9, đà giảm vẫn tiếp tục tại các thị trường Châu Á. Thị trường chứng khoán Nhật Bản với Nikkei giảm 2,2%, Indo (-0,26%), Việt Nam cũng giảm nhẹ (-0,79%)...
Theo đánh giá của các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam vụ việc Evergrande đang tạo ra hai mối lo ngại chính đó là lo lắng về rủi ro tạo ra một cú sốc nghiêm trọng tương tự như vụ phá sản của Lehman Brothers xảy ra cách đây 13 năm về trước và thứ hai là tâm lý lo ngại với một số công ty đang niêm yết tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh có phần tương đồng với Evergrande trong lĩnh vực bất động sản và xe điện.
Tuy nhiên, khi xét trong mối lo ngại thứ nhất cho thấy những khó khăn hiện nay của Evergrande đến từ việc chính phủ Trung Quốc đang chủ động “mạnh tay” hơn để lành mạnh hóa và hạ nhiệt một phần thị trường bất động tại quốc gia này. Các chuyên gia cho rằng tình huống hiện nay của Evergrande ít có khả năng tạo ra những vấn đề nghiêm trọng như trường hợp của Lehman Brothers, vốn đã làm kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Tình huống của Evergrande ở một quy mô nhỏ hơn, ít nghiêm trọng hơn, câu chuyện chủ yếu liên quan đến yếu tố thanh khoản của tập đoàn này và nhiều khả năng sẽ dẫn đến một sự can thiệp nhất định từ chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới để ngăn không tạo ra sự đổ vỡ.
Ở quan ngại thứ hai với những đánh giá bước đầu, việc so sánh Evergrande với một số DN có ngành nghề kinh doanh tương đồng tại Việt Nam là không thật sự phù hợp. Đơn cử, một trong những khác biệt có thể thấy rõ nhất (và cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất của Evergrande) là tỷ lệ nợ vay của Evergrande ở một mức rất cao, cao hơn hẳn so với tất cả các DN bất động sản hiện nay tại Việt Nam.
Còn theo quan điểm cá nhân của ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Mirrae Assett cho rằng trong 5 năm lại đây giá nhà Trung Quốc hạ nhiệt và đặc biệt trong 2 năm qua khi Chính phủ Trung Quốc thi hành chiến lược giảm đòn bẩy cho nền kinh tế, nhu cầu nhà sụt giảm, doanh số bán của DN cũng sụt giảm theo. Khi đó Evergrande đã tìm kiếm tăng trưởng bằng đầu tư ngoài ngành như y tế, sức khỏe, xe điện, ngân hàng, bảo hiểm, giải trí, đội bóng... và mở rộng liên tục bằng vay nợ. DN đã tăng trưởng cũng như duy trì hệ thống bằng đầu tư tràn lan không kiểm soát. Điều này cho thấy Chính phủ Trung Quốc khi thực thi chiến lược giảm đòn bẩy đã tính tới trường hợp như Evergande để DN cải tổ về quản trị, tránh đa ngành và giảm đòn bẩy rất rõ ràng.
Theo ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc Quỹ SGI, vụ việc của Evergrande trên thực tế đã tạo ra một số dư chấn nhất định dành cho thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng trong những phiên giao dịch gần đây. Song sẽ không tạo ra ảnh hưởng quá nhiều, đặc biệt đến các nền kinh tế, bởi các chính phủ hiện nay có nhiều kinh nghiệm và công cụ ứng phó, không để rủi ro hệ thống xảy ra. Còn vấn đề cục bộ ở mỗi công ty, nếu bên nào yếu kém sẽ phải trả giá là hợp lý. Như vậy, nền kinh tế và các thị trường chứng khoán càng phát triển lành mạnh.