Vụ sửa hồ sơ bồi thường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Nghi có người nhà Bí thư phường Phước Tân?
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường huyết mạch kết nối hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đang trở thành tâm điểm chú ý dư luận bởi vụ việc 112 hồ sơ tại phường Phước Tân (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nghi có dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xóa, giả mạo chữ ký, viết lại giấy mua bán tay, điều chỉnh thời gian sở hữu đất, tài sản để trục lợi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, 28/5, tại hội nghị tổng kết phong trào "30 ngày đêm" thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn, ông Lê Kim Hường, Chủ tịch UBND phường Phước Tân cho biết, qua kiểm tra rà soát hồ sơ xác nhận nguồn gốc nhà, đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phường đã phát hiện 112 hồ sơ bồi thường có dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xóa, giả mạo...
Hồ sơ của bà Anh, ông Phú có dấu hiệu chỉnh sửa - Ảnh: Ngân Nga |
Qua rà soát, UBND phường Phước Tân cung cấp bản sao photo có đóng dấu treo, giáp lai của UBND phường đối với 112 hồ sơ các giấy tờ do Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai thiết lập có dấu hiệu chỉnh sửa, giả mạo chữ ký, tẩy xóa, viết lại giấy mua bán tay, điều chỉnh thời gian sở hữu đất, tài sản.
Đáng chú ý, theo nguồn tin Báo Công Thương cho biết, trong 112 hồ sơ nêu trên có 2 hồ sơ nghi ngờ có người nhà liên quan đến ông Vương Huy Đào - Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân.
Đó là hồ sơ của ông Vương Huy Phú (được phản ánh là cháu ruột ông Đào) - người có tài sản trên đất tại thửa đất số 401, tờ bản đồ 54, khu phố Vườn Dừa, phường Phước Tân.
Sau khi làm việc với UBND phường Phước Tân, ông Phú không cung cấp được hồ sơ điện, nước, hộ khẩu - tạm trú để chứng minh tài sản có liên quan. Nghiêm trọng hơn, giấy sang nhượng đất được viết đề ngày 15/10/2013, nhưng ghi chứng minh nhân dân ngày 03/7/2018.
Ông Phú có địa chỉ cư trú tại 369A, Khu phố 3, phường An Hoà, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là địa chỉ nhà của ông Vương Huy Đào.
Một hồ sơ khác theo phản ánh là em vợ ông Đào, đó là hồ sơ bà Mai Thị Quỳnh Anh, đồng sở hữu thửa đất với ông Vương Huy Phú tại thửa đất số 401, tờ bản đồ 54, khu phố Vườn Dừa, phường Phước Tân.
Tương tự như ông Phú, hồ sơ bà Anh cũng không thể hiện hồ sơ điện, nước, hộ khẩu - tạm trú để chứng minh tài sản của mình. Trong khi đó, giấy sang nhượng đất được viết ngày 15/10/2013, nhưng ghi chứng minh nhân dân ngày 03/7/2018. Cả hai trường hợp này được ghi trùng ngày sang nhượng đất và ngày cấp chứng minh nhân dân, bà Anh được tặng đất lúc 14 tuổi.
Ông Lê Kim Hường - Chủ tịch UBND phường Phước Tân, TP Biên Hòa vừa cung cấp 112 bộ hồ sơ có dấu hiệu chỉnh sửa cho Công an tỉnh Đồng Nai - Ảnh TTO |
Đối với 110 hồ sơ còn lại, có 3 hồ sơ có dấu hiệu giả mạo chữ ký người bán giấy tay gồm bà Vũ Thị Hương (thửa đất số 317, tờ 57, khu phố Vườn Dừa), ông Phan Thanh Hải (thửa đất số 105, tờ 85, khu phố Miễu) và ông Nguyễn Thanh Bằng (thửa đất số 16, tờ 85, khu phố Miễu); 1 bộ hồ sơ của bà Trần Thu Hà (thửa đất số 12, tờ 68, khu phố Hương Phước) mua giấy tay từ năm 2012 nhưng tài sản theo đền bù lại do người khác sở hữu.
Có 2 hồ sơ của ông Vũ Quốc Hiệu và ông Vũ Minh Đức (cùng hộ khẩu thường trú tại ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) ghi sai địa giới hành chính tại thửa đất số 118, tờ bản dồ số 57, khu phố Vườn Dừa. Cụ thể là năm 2019, địa giới hành chính là xã Phước Tân, huyện Long Thành nhưng giấy mua bán lại ghi xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, có dấu hiệu chỉnh thời gian.
Các hồ sơ còn lại hầu hết không cung cấp được hồ sơ điện, nước, hộ khẩu - tạm trú để chứng minh tài sản liên quan, nhiều trường hợp hóa đơn điện nước, thuế gần đây vẫn do chủ cũ thanh toán.
Để tránh thất thoát tiền ngân sách Nhà nước và cá hệ lụy về sau, UBND phường Phước Tân cũng đã chủ động thông báo và mời 112 trường hợp này làm việc để người dân cung cấp những giấy tờ chứng minh tài sản trên đất.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 40 trường hợp đến làm việc, cung cấp các giấy tờ, trong đó có 12 trường hợp đã cung cấp các giấy tờ chứng minh tài sản trên đất của mình. Các trường hợp khác không cung cấp được những giấy tờ chứng minh. Số hồ sơ người dân vừa bổ sung giấy tờ, UBND phường Phước Tân đang rà soát lại.
Lãnh đạo phường Phước Tân cho biết, đối với 112 trường hợp này, UBND phường sẽ chủ động phối hợp Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh thực hiện lại công tác quy chủ, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn vì có nhiều trường hợp người dân không có ở nhà, không sinh sống tại nhà đã xây dựng…
Đối với các trường hợp không cung cấp được giấy tờ chứng minh tài sản trên đất, UBND phường Phước Tân đề xuất thiết lập lại hồ sơ, gom tất cả tài sản trên đất để quy về chủ đứng tên quyền sử dụng đất.
Liên quan đến vụ việc, ngày 30/5, Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc với UBND phường Phước Tân thu thập toàn bộ 112 hồ sơ nêu trên.
Đến ngày 31/5, UBND phường Phước Tân ban hành Văn bản số 566/UBND gửi Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai về việc cung cấp hồ sơ tài liệu đối với 112 trường hợp theo đề nghị của của PC03 Công an tỉnh Đồng Nai tại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Vụ việc 112 hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có dấu hiệu chỉnh sửa đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người bày tỏ lo ngại về việc trục lợi chính sách trong công tác bồi thường. Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, để đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh nguy cơ làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Được biết, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7 km đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua Đồng Nai dài 34,2 km, được chia làm hai dự án thành phần 1 và 2. Dự án ảnh hưởng khoảng 1.744 hộ, trong đó có 1.557 hộ phải tái định cư.