Vụ sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả để mang đi đấu thầu: Nhà thầu sẽ bị xử lý thế nào?
Sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả để mang đi đấu thầu
Như Báo Công Thương đã phản ánh ở bài viết trước đó, tại gói thầu số 03: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và bảo hiểm xây dựng công trình (giá mời thầu 9.013.886.000 đồng, thuộc Dự án phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947 – 1954, tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã có 2 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty TNHH xây dựng giao thông thuỷ lợi và sản xuất vật liệu xây dựng Đức Huy trúng thầu với giá 9.008.444.000 đồng, tiết kiệm hơn 5,4 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ 0,06%. Nhà thầu còn lại là Công ty Cổ phần tu bổ di tích Trung ương - Vinaremon (Công ty Vinaremon) trượt thầu với lý do không đạt năng lực và kinh nghiệm.
Phối cảnh dự án công trình phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn (Ảnh: Trieuson.gov.vn) |
Mặc dù không phải là đơn vị trúng thầu, tuy nhiên trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu của Công ty Vinaremon, tổ chuyên gia xét thấy có một bằng tốt nghiệp đại học mang tên ông Nguyễn Đình Long có dấu hiệu giả mạo nên đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án huyện Triệu Sơn (Chủ đầu tư) về đánh giá năng lực của Công ty Vinaremon.
Trong văn bản trả lời Ban quản lý dự án huyện Triệu Sơn về việc hỗ trợ xác minh thông tin văn bằng của ông Nguyễn Đình Long do nhà thầu đăng tải, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội xác nhận về bằng cấp của cá nhân ông Nguyễn Đình Long không có thông tin trong hồ sơ dữ liệu sinh viên tốt nghiệp của nhà trường.
“Đơn vị tư vấn dùng bằng cấp của ông Nguyễn Đình Long so sánh với một số bằng do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cấp với cùng khoảng thời gian thì nhận thấy có điểm khác biệt. Sau đó phía nhà trường có văn bản trả lời về bằng cấp của ông Nguyễn Đình Long không có trong hệ thống. Như vậy, đồng nghĩa với việc đây là bằng giả”, ông Lương Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Triệu Sơn chia sẻ với báo chí.
Sử dụng băng giả là hành vi bị cấm trong đấu thầu. (Ảnh minh họa) |
Ông Thịnh cho biết thêm, đơn vị cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, cơ quan quản lý về công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh và đang chờ Sở này có hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Cần có chế tài nghiêm khắc, răn đe các nhà thầu đang có ý định gian dối
Theo Luật Đấu thầu, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Trên thực tế, hoạt động đấu thầu có vai trò quan trọng, mang lại lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư, nhà thầu và nền kinh tế quốc dân nói chung. Công tác đấu thầu được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ xây dựng, mua sắm thiết bị, thực hiện dự án… Đặc biệt trong lĩnh vực công, đấu thầu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, hạn chế và loại trừ được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, hoạt động đấu thầu còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia, các tổ chức phát triển với các quốc gia đang phát triển.
Mặc dù với những hành lang pháp lý đã có, hoạt động đấu thầu đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt là tình trạng làm giả các giấy tờ, hồ sơ để tham dự thầu.
Thời gian qua, nhiều vụ việc giả mạo giấy tờ, hồ sơ để tham dự các gói thầu cũng đã bị chủ đầu tư, các cơ quan chức năng phát hiện. Việc sử dụng bằng cấp giả, cung cấp không tin không chính xác để tham gia đấu thầu các dự án sẽ tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình vì nhân sự của đơn vị trúng thầu chỉ là “hàng rởm”, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà Nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thế nhưng rất may, gói thầu tại huyện Triệu Sơn nói trên, hành vi gian lận đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời trước khi gói thầu chuyển sang giai đoạn thi công, quyết toán. Nếu không khi đó sự việc sẽ hết sức phức tạp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết, căn cứ điểm a khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023: “Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu” thì hành vi trên là hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch nêu quan điểm về hành vi gian lận trong đấu thầu |
Căn cứ khoản 3 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi gian lận trong đấu thầu mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm theo điểm a khoản 1 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, áp dụng với cả bên đấu thầu và mời thầu. Trường hợp hành vi này cấu thành tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, hình phạt tù có thể lên đến 20 năm tù, theo Điều 222, Bộ luật Hình sự.
“Quy định của pháp luật là như vậy, nhưng trong trường hợp Công ty Vinaremon nêu trên, còn phải đánh giá người nào là chủ thể của tội phạm. Nếu là ông chủ doanh nghiệp, sử dụng bằng giả để công ty của mình được trúng thầu, lúc này có hành vi gian lận, nhưng hành vi này phải gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính thì mới cấu thành tội phạm.
Nhưng nhân sự sử dụng bằng giả để xin vào công ty làm việc thì khó có động cơ mục đích gian lận trong đấu thầu được, lúc này hành vi của nhân sự “rởm” cấu thành tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra, đấu tranh tội phạm có thể làm rõ được bản chất của vụ án, ai phạm tội, là tội gì”, Luật sư Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm.