Vĩnh Phúc tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 2/2024 đưa ra phương hướng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử (Ảnh: Quỳnh Nga) |
Theo đó, trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ yếu, bao gồm: Thứ nhất, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thứ hai, ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp và phát triển sản xuất kim loại trở thành ngành công nghiệp nền tảng; tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh liện, phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp.
Thứ ba, chế biến thực phẩm, đồ uống. Để phát triển nhóm ngành công nghiệp này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thu hút và tạo điều kiện phát triển các dự án chế biến thịt các loại như bò, lợn và các sản phẩm sữa gắn với việc phát triển chăn nuôi bò, lợn ở các khu vực có lợi thế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà đầu tư chế biến thực phẩm.
Thứ tư, phát triển các nhóm ngành công nghiệp khuyến khích phát triển như chế biến nông, lâm sản; sản xuất dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, thân thiện với môi trường…
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển |
Trước đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Vĩnh Phúc đề ra là "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" và một trong 3 "khâu đột phá" được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước".
Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc hoàn toàn phù hợp trên cơ sở định hướng thu hút đầu tư ngành công nghiệp mà Vĩnh Phúc đã đề ra là, tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, xe máy; điện tử, tin học; cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày…
Thực tế trong những năm trở lại đây, giá trị công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc được đóng góp chủ yếu từ các nhóm ngành: Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện với tỷ trọng duy trì chiếm từ 86 - 90% trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh.
Với tốc độ tăng rất cao, đạt 56,6%/năm giai đoạn 2011-2020, ngành sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện đã và đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc; các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, thiết bị điện khá đông đảo và chiếm gần 50% doanh nghiệp FDI toàn tỉnh, trong đó có đến 90 doanh nghiệp có quy mô lớn. Theo đó, hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp này đang được xuất khẩu hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam Samsung, LG, Panasonic... Mặc dù vậy, công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại vẫn là ngành có vị trí “xương sống”, đóng góp giá trị sản xuất ổn định và lớn nhất trong các giai đoạn phát triển công nghiệp của tỉnh.
Việc đề ra và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với làn sóng đầu tư nước ngoài và theo hướng phát triển có chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp Vĩnh Phúc tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.