Vĩnh Phúc: GRDP trên đà phục hồi, “thoát” tăng trưởng âm trong quý II/2023
Tăng trưởng GRDP đang trên đà phục hồi
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2023 cả nước có 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP âm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Quảng Nam âm 9,81%; Bắc Ninh âm 11,39%; Bà Rịa – Vũng Tàu âm 3,70%; Lai Châu âm 0,16% và Vĩnh Phúc 0,5%.
Tuy nhiên, ước tính 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc là địa phương duy nhất trong nhóm 5 địa phương có tăng trưởng âm trong quý I/2023 đã đạt tăng trưởng dương trở lại vào quý II/2023.
4 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP âm trong 6 tháng đầu năm |
Cụ thể, theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ước tăng trưởng GRDP qúy II/2023 của địa phương tăng 3,76%, và tính chung 6 tháng đầu năm tăng 1,69%. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đang có dấu hiệu phục hồi so với các tháng đầu năm.
Tăng trưởng của ngành sản xuất linh kiện điện tử - ngành có đóng góp cao nhất vào cơ cấu GRDP của địa phương được ghi nhận tăng từ 6% trong quý I/2023 lên 14,17% trong 6 tháng đầu năm; trong đó tháng 4/2023 tăng 19,13%, tháng 5/2023 ước tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023, điều này cho thấy dấu hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế.
Cơ cấu tổng giá trị tăng thêm theo ngành kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 60,89%; khu vực dịch vụ chiếm 31,08%. Được biết, cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 7,75%; 63,66% và 31,08%.
6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư các dự án FDI (dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt gần 360 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ, đạt 90% kế hoạch năm; thu các dự án DDI (dự án đầu tư trực tiếp trong nước) đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ, vượt 2,2 lần kế hoạch năm. Trong 6 tháng, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 2.900 tỷ đồng, đạt cao so với bình quân chung cả nước…
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, với các dấu hiệu tích cực từ sản xuất kinh doanh và các tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ về chính sách đất đai, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, miễn giảm thuế trước bạ, giảm lãi suất vay... dự báo những tháng cuối năm các ngành sản xuất sẽ khởi sắc hơn so với 6 tháng đầu năm.
Chỉ số sản xuất IIP của cả nước 5 tháng đầu năm giảm 2% |
Thành quả từ những quyết sách quan trọng
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng và thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường ngay từ những tháng đầu năm 2023 thì để đạt được tốc độ tăng trưởng 3,76% trong quý II/2023 là một sự nỗ lực rất lớn của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, trước tình hình thế giới chịu tác động xung quanh xung đột quân sự Nga – Ukraine và một số ngân hàng lớn của Mỹ, Thuỵ Sĩ đổ vỡ, ảnh hướng đến tâm lý đầu tư của doanh nghiệp ngay từ những tháng đầu năm. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia, khu vực, tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới và trong nước.
Ở trong nước, tình hình thiếu hụt năng lượng điện; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều tồn tại, vướng mắc, … dẫn đến việc triển khai, thực hiện còn nhiều khó khăn, nhiều chỉ số sản xuất, kinh doanh của cả nước đạt thấp so cùng kỳ: Chỉ số sản xuất IIP của cả nước 5 tháng đầu năm giảm 2%; Kim ngạch xuất khẩu giảm 11,6%; kim ngạch nhập khẩu giảm 17,9%.
Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ trong đó giao 95 chỉ tiêu và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Cùng với đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, địa phương để chỉ đạo, tổ chức quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các cấp, các ngành, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo cung ứng điện, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thiếu hụt lao động các tháng đầu năm, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng.
Riêng trong tháng 5/2023, UBND tỉnh Vĩnh phúc đã tổ chức 15 cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức hàng chục cuộc làm việc, tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng điện.
Với nỗ lực đó, tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng trưởng 3,76% trong quý II/2023. Đây cũng là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.