Xuất thân trong một gia đình làm nghề dệt lụa. Học hết bậc tiểu học, Tô Hoài vừa tự học, vừa làm đủ các nghề để kiếm sống. Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài bắt đầu từ những tác phẩm in trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy vào cuối những năm 30 của thế kỷ 20.
Năm 1938, Tô Hoài tham gia Hội Ái hữu công nhân rồi tham gia phong trào Thanh niên phản đế. Năm 1943, gia nhập tổ Văn hóa cứu quốc đầu tiên ở Hà Nội. Đây chính là thời gian ông xuất bản cuốn truyện dài nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà văn Tô Hoài làm báo Cứu quốc, Chủ nhiệm tờ Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc. Năm 1957, được bầu làm làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1958 đến năm 1980, tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1966 - 1996: Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Với sức lao động miệt mài, tính đến nay, nhà văn Tô Hoài đã để lại một kho tàng tác phẩm văn học với nhiều thể loại truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.
Truyện dài “Dế mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông dành cho những bạn đọc thiếu nhi. Từ khi xuất bản lần đầu tiên năm 1942, cuộc phiêu lưu của chú dế mèn dưới ngòi bút Tô Hoài đã chinh phục hàng triệu bạn đọc các thế hệ. "Dế mèn phiêu lưu ký" được tái bản nhiều lần. Đây là cuốn sách lập kỷ lục khi trở thành tác phẩm văn học Việt Nam được dịch nhiều nhất trên thế giới: Gần 20 quốc gia đã dịch và phát hành cuốn sách này.
Hình bóng “dế mèn” trong “Dế mèn phiêu lưu ký” được cho là hình ảnh của chàng thanh niên Tô Hoài lúc đó mới 21- 22 tuổi mang trong mình nhiều hoài bão. Sau này, nhà văn Tô Hoài có nói rằng: “Thế giới trong Dế mèn phiêu lưu ký phản ánh chính xác và chân thật thế giới tư tưởng của lớp thanh niên 18-20 chúng tôi thời ấy: Đã tham gia các hội ái hữu, tham gia công đoàn, đọc sách của các bậc tiền bối thời Khai sáng bên Pháp như Voltaire, Rousseau, đọc Con chim xanh của Materlin, đọc Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, mơ ước về một thế giới đại đồng, nơi người với người đều là bằng hữu, anh em, tứ hải giai huynh đệ mà...”.
Một đời cần cù đi và viết như chưa lúc nào ngơi nghỉ, nhà văn Tô Hoài đã rời cõi trần. Nhưng bạn đọc sẽ còn nhớ đến ông, trong hình bóng của chú “dế mèn”, trong câu chuyện của “Vợ chồng A Phủ”... ngay cả khi tác giả đã hòa mình vào “Cát bụi chân ai”...