Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ: Mở rộng hợp tác, sớm nâng mục tiêu kim ngạch song phương lên 4 tỷ USD
Ngày 23/10, trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Cùng tham dự buổi gặp, về phía Việt Nam, tháp tùng Thủ tướng trong buổi gặp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành...
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan; nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm chính thức vào tháng 11/2023.
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng mà Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thời gian qua; bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ngài Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện thành công "Tầm nhìn Thế kỷ".
Thủ tướng Chính phủ khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ; mong muốn các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi lời chúc mừng Chủ tịch nước Lương Cường được tín nhiệm giao trọng trách mới; bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trở thành Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ những mất mát, thiệt hại nặng nề của Chính phủ và nhân dân Việt Nam do cơn bão Yagi gây ra.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương; nhất trí sẽ tăng cường trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, sớm nâng tầm và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước; đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại tương xứng với tiềm năng, phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch song phương 4 tỷ USD, đồng thời nghiên cứu hình thành những khuôn khổ mới nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác, trong đó có hợp tác quốc phòng, tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa công dân hai nước.
Hai bên cũng dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình leo thang căng thẳng gần đây tại khu vực Trung Đông; khẳng định sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ chuyển lời của Chủ tịch nước Lương Cường mời Ngài Tổng thống sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vui vẻ nhận lời.
Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Tây Á và có vị trí chiến lược trên con đường giao thương giữa ba châu lục Á - Âu - Phi. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác xuất khẩu phi dầu mỏ lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là cửa ngõ cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông-Bắc phi, là nơi trung chuyển vào thị trường EU. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 8 châu Âu, thứ 17 thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (WorldBank, 2023).
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong ASEAN và mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN và chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với thế giới. Con số cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho việc gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Năm 2023, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Đặc biệt, nhân chuyến thăm và làm việc chính thức tại Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương, đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, hai nước cũng có thể mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác còn nhiều tiềm năng như năng lượng, logistics, dệt may, sản xuất ô tô, điện tử, v.v.
Về kim ngạch thương mại, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á (sau UAE). Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 468,8 triệu USD, tăng 11,6%.
Nhìn chung, trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng trưởng tích cực.
Các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; chất dẻo nguyên liệu; cao su; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng dệt, may; giày dép các loại; hạt tiêu; v.v. Việt Nam nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ các mặt hàng chính gồm: vải các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hóa chất; sản phẩm hóa chất; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng ô-tô; nguyên phụ liệu dệt may; v.v.
Nhận định về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat cho rằng Việt Nam được coi là đối tác kinh tế ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh những dự án đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam ghi nhận thành công tích cực, ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ như xây dựng, sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng… Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội mở rộng cơ hội hợp tác, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giao thương sầm uất lâu đời nên việc hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào thị trường này, đặc biệt là chuỗi các hệ thống phân phối sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực vận động phía Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như giày dép, nông sản, thủy sản… thâm nhập vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối của Thổ Nhĩ Kỳ như Carrefour SA, Migros,…
Trong các cuộc trao đổi, làm việc gần đây với đại diện Bộ Công Thương, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẵn lòng trao đổi danh mục các mặt hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu và phía Việt Nam có thế mạnh, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu vào các kênh phân phối cũng như hình thức thanh toán phù hợp…để xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào chuỗi siêu thị tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian sớm nhất.
Để sớm đạt mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp Việt phải chủ động tìm hiểu về thị trường, nâng cao sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét nâng cấp quan hệ hợp tác lên mức cao hơn, có thể thấy, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ được khai thác và triển khai nhiều hơn nữa trong thời gian tới, hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung của hai nước.
Từ 23-24/10/2024, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng diễn ra tại thành phố Kazan, Nga. Đây là Hội nghị quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các thành viên BRICS và lãnh đạo hơn 30 nước khách mời, bao gồm các nước đang phát triển ở các châu lục và một số tổ chức quốc tế. Theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị với tư cách khách mời. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng và các hoạt động liên quan. Đi cùng Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ như: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Văn phòng Bộ... |