Việt Nam - Litva: Nhiều cơ hội hợp tác về công nghệ tài chính
Đây là nội dung chính tại hội thảo “Fintech- Cơ hội hợp tác từ Litva trước thềm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)” trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 2/11.
Nhiều tiềm năng phát triển Fintech
Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, hiện nay Fintech cũng đang nhận được sự quan tâm tích cực trong ngành tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Đó là hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chính xác, nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật. Thứ ba, các doanh nghiệp Fintech thường gặp khó khăn về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị cũng như đường hướng phát triển lâu dài. Thứ tư, ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật”…
Theo thống kê, tại Việt Nam có 53% dân số sử dụng Internet - tương ứng với khoảng hơn 50 triệu người. Đặc biệt, với hơn 124 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 41 triệu thuê bao hoạt động thường xuyên, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để Fintech phát triển.
Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ, dù các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008 với 9 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đến nay, Việt Nam có 48 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số.
Ông Đặng Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Fintech, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - chia sẻ, phần lớn các doanh nghiệp Fintech Việt Nam đều có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 10 sản phẩm ví điện tử, các sản phẩm này đều không thua kém các nước khác trên thế giới, chỉ có điều những đầu tư cho các sản phẩm này chưa tốt bằng các sản phẩm của nước ngoài về mặt thâm nhập thị trường, mở rộng kinh doanh…
Tìm kiếm cơ hội hợp tác
Cộng hòa Litva là quốc gia có một vị trí chiến lược, nằm ở Trung Đông Âu, một phần Bắc Âu, gần Tây Âu và Nga, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Âu. Litva cũng là một trong những đất nước có chính sách hỗ trợ kinh doanh mang tính đột phá và điểm sáng nhất là Fintech.
Bà Ina Marčiulionytė - Đại sứ Cộng hòa Litva - cho biết, theo chỉ số sáng tạo của Bloomberg 2017, Litva xếp trên 2 quốc gia Baltic khác (Estonia và Latvia), và là một trong những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới. Ngoài ra, Litva nằm trong top 30 về chỉ số kinh doanh theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, và nằm trong top 15 trên toàn cầu trong danh sách các quốc gia tốt nhất cho kinh doanh của tạp chí Fobes. Điều đó càng chứng tỏ, Litva đã tạo môi trường rất thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại Litva.
Để tham gia thị trường Litva nhanh và hiệu quả, theo ông Marius Jurgilas - Thành viên HĐQT Ngân hàng Nhà nước Litva, các công ty ở Việt Nam chỉ cần cung cấp những giải pháp khách hàng tốt hơn. Chẳng hạn như chứng minh thư nhận dạng số để bạn không cần phải đến nói chuyện với Ngân hàng Trung ương Litva mà chỉ cần đến các ngân hàng ở Litva họ hiểu được công nghệ bạn muốn cung cấp là cái gì.
“Đặc biệt, Litva có một chế độ bảo mật dữ liệu rất tốt, đặt trụ sở ở Paris. Chúng tôi luôn luôn chào đón các đối tác cung cấp dịch vụ tài chính và chào đón những ai muốn mở rộng thị trường ở châu Âu đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Việt Nam”- ông Marius Jurgilas chia sẻ thêm.
Với việc tạo ra cánh cửa để Việt Nam có thể tiếp cận được những dịch vụ tốt và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, đầu tư cho việc phát triển Fintech ở Việt Nam thì “đây cũng chính là cơ hội để đưa các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Litva” - ông Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh.