Ngôi nhà chung (trụ sở) Liên hợp quốc đang được xây dựng tại Hà Nội, Việt Nam, khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng phục vụ cho việc thực hiện sáng kiến "thống nhất hành động".
CôngThương - 5 năm qua, Việt Nam luôn đóng một vai trò tích cực thực hiện thí điểm sáng kiến “thống nhất hành động” của LHQ. Quyết tâm mạnh mẽ và chủ động của Chính phủ Việt Nam trong quá trình cải tổ LHQ cùng tính sở hữu quốc gia rõ nét trong chương trình nghị sự phát triển của LHQ tại Việt Nam là những thành tố quyết định thành công của các cơ quan LHQ tại Việt Nam, tác động thiết thực, hiệu quả và mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.
Hệ thống các tổ chức LHQ ở Việt Nam có một vai trò quan trọng hỗ trợ cho các nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc xóa nghèo và thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt khi thời hạn 2015 đang đến rất gần. Sáng kiến “thống nhất hành động” đảm bảo rằng các hỗ trợ của LHQ phù hợp với chương trình nghị sự phát triển của Việt Nam. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam khẳng định: “Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc “thống nhất hành động” của LHQ đã được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu”.
Cuối năm 2012, các kinh nghiệm của Việt Nam trong thực hiện cải tổ LHQ đã được đưa vào nội dung thảo luận liên Chính phủ trong kỳ đánh giá chính sách toàn diện về các hoạt động hỗ trợ phát triển của LHQ được tiến hành bốn năm một lần (QCPR), qua đó Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết (67/226) khẳng định Chính phủ các quốc gia thành viên mong muốn có một hệ thống phát triển của LHQ mạnh mẽ hơn, chiến lược hơn, phù hợp và linh hoạt nhanh chóng hơn, sẵn sàng thích ứng để có thể mang lại các kết quả về phát triển bền vững.
Để phát huy tối đa sự lãnh đạo của Chính phủ và thực hiện các cam kết ba bên (Chính phủ, LHQ và các nhà tài trợ) thực hiện sáng kiến “thống nhất hành động” hiệu quả hơn tại Việt Nam, một cơ chế quản trị công ba cấp đã được thiết lập, bao gồm”: Ủy ban chỉ đạo cấp cao ba bên đưa ra các định hướng chiến lược chung, các ưu tiên và giám sát cả 6 trụ cột chính; ủy ban chỉ đạo thực hiện một kế hoạch chung giữa Chính phủ và LHQ để đánh giá việc thực hiện kế hoạch chung giai đoạn 2012- 2016, chỉ đạo việc phân bổ quỹ một kế hoạch; và các nhóm điều phối lĩnh vực trọng tâm đa ngành, là diễn đàn cho các nghiên cứu chung, các đối thoại chính sách cũng như các hoạt động giám sát đánh giá chung... đã được thành lập.