Việt Nam - EU: Tăng cường hợp tác, xanh hóa từ ý tưởng tới hành động
Chiều 2/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) năm 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) phối hợp tổ chức với chủ đề "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh".
Cùng tham dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn có Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam, các đại sứ, các hiệp hội và doanh nghiệp EU và Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) năm 2023. Ảnh: Cấn Dũng |
Phát biểu tại Phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Đơn cử, nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương đã mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.
Thủ tướng cho rằng, phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. "Đây cũng là xu thế tất yếu, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, theo đó Thủ tướng mong EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, hiện nay, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng |
Đánh giá cao những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những chủ trương, chiến lược của Việt Nam trong hành trình hướng đến nền kinh tế xanh, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, hiện nay, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam và 60% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đi qua cửa ngõ cảng Rotterdam của Hà Lan.
Thủ tướng Hà Lan cho rằng, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ và rất ít người tưởng tượng được rằng Việt Nam lại có thể làm được những điều như vậy. Tuy nhiên, Thủ tướng Mark Rutte chia sẻ, cả hai nước đều đang đối mặt những thách thức về môi trường, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các chủ thể liên quan, song trước hết cần có sự đóng góp của cộng đồng doanh nhiệp.
Thủ tướng Hà Lan nhắc lại, tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2022 được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, có tới 44 doanh nghiệp Hà Lan tham gia, cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp Hà Lan trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế để xử lý các thách thức toàn cầu.
Song, Thủ tướng Hà Lan cũng lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung ứng cần phải tuân thủ các quy định mới của Liên minh châu Âu về sản xuất bền vững; đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự Diễn đàn. Ảnh: Cấn Dũng |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Cấn Dũng |
Cũng tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, lãnh đạo EU, EuroCham… đều đánh giá rất cao những thành tựu phát triển và tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, tuần hoàn, công nghệ cao.
Theo các đại biểu, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
Thời gian qua, EU đã phát huy vai trò tiên phong trong thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh và tuần hoàn, góp phần xoay chuyển những thách thức hiện nay thành các cơ hội cho phát triển, với các chiến lược và sáng kiến quan trọng, những bước đi cụ thể trong các lĩnh vực, như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng hydrogen xanh, kết nối số và huy động nguồn tài chính xanh cho phát triển.
Các ý kiến cũng đánh giá cao cam kết, nỗ lực và các giải pháp của Việt Nam nhằm hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, như việc tham gia ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có EU.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết ba văn kiện hợp tác giữa Eurocham với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas); với Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso).
Một số hình ảnh ấn tượng tại Diễn đàn:
Eurocham ký kết văn kiện hợp tác với Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso). Ảnh: Cấn Dũng |
Eurocham ký kết văn kiện hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Cấn Dũng |