Việt Nam đăng cai Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Hội nghị do Hội Liên hiêp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai hội nghị này sau khi tham gia là thành viên từ năm 2013.
Theo đó, sẽ có khoảng 300 đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có 60 đại biểu quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, 40 khách quốc tế và 200 đại biểu Việt Nam. Đây là các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của các viện nghiên cứu, trường đại học, các Bộ/ngành trên toàn quốc.
Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ trải qua các hoạt động như phiên khai mạc; nghe báo cáo của các thành viên APNN; tham gia 3 hội thảo chuyên đề: Giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ; Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Quản trị rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tham dự triển lãm “Phụ nữ trong khoa học và sáng tạo”…
Theo Ban tổ chức, các đại biểu quốc tế và Việt Nam tham dự hội nghị sẽ có cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các kiến nghị đối với các vấn đề nóng đối với từng quốc gia, khu vực cũng như toàn thế giới.
Cũng tại hội nghị này, những sản phẩm nghiên cứu của chị em phụ nữ, giới trí thức, các nhà khoa học nữ Việt Nam đã được ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống sẽ được trưng bày, giới thiệu đến với bạn bè các nước.
APNN là mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mạng lưới các nhà khoa học nữ quốc tế (INWES), đối tác của UNESCO và được thành lập năm 2011 với số hội viên hiện nay lên đến 250.000 người. Ngoài APNN, INWES còn có hai mạng lưới khu vực nữa là INWES-Europe (châu Âu) và INWES-Africa (châu Phi).
Đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam cho hay, để đăng cai INWES-APNN 2018, Việt Nam đã phải có những sự nỗ lực, chứng minh mình tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2017. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học nữ Việt Nam và các nữ khoa học đến từ các nước trong khu vực gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về những vấn đề mà các nước quan tâm như bình đẳng giới trong khoa học công nghệ, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…