Việt Nam - Cộng hòa Séc: Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang CH Séc |
Chia sẻ tại Hội thảo Cung cấp thông tin về thị trường CH Séc diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Trần Đình Hiệp -Trưởng phòng Tổng hợp (Vụ tThị trường châu Âu - Bộ Công Thương) -cho biết, năm 2016, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và CH Séc đạt gần 250 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu (XK) sang CH Séc chủ yếu là giày dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện; mặt hàng nhập khẩu chính từ CH Séc là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và sản phẩm từ sắt thép. Về đầu tư, đến hết năm 2016, CH Séc có 36 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với số vốn đăng ký 108,8 triệu USD. Đầu tư của Việt Nam sang CH Séc có 4 dự án với số vốn 5,3 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực bất động sản.
Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có triển vọng giữa CH Séc với Việt Nam là năng lượng, khai khoáng, hạ tầng và phương tiện giao thông, cơ khí chế tạo, công nghiệp môi trường, công nghiệp quốc phòng và trang thiết bị y tế bệnh viện.
Là doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, trong đó chủ lực là XK chè, bà Lã Thị Thu Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển New Fife - đặt câu hỏi về cơ hội cũng như yêu cầu của thị trường CH Séc đối với sản phẩm chè của Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, ông David Jarkisch - Tham tán Kinh tế Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam - cho hay, CH Séc là nước sử dụng nhiều sản phẩm từ chè và cà phê, tiềm năng đối với mặt hàng này là rất lớn bởi lượng nhập khẩu từ các nước vào CH Séc chưa cao, chỉ ở mức 12 triệu USD/năm. Ông David Jarkisch lưu ý, các DN Việt Nam khi XK sản phẩm nông sản vào thị trường CH Séc phải bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của thị trường châu Âu.
Cũng theo ông David Jarkisch, không chỉ đối với riêng sản phẩm chè, nhu cầu về các sản phẩm nông sản ở CH Séc cũng rất lớn và tăng dần qua các năm. Hơn nữa, đây còn là cửa ngõ để hàng hóa thâm nhập vào các nước trong Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, đầu năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội tốt cho các sản phẩm nông sản Việt Nam vào thị trường CH Séc nói riêng và thị trường châu Âu nói chung. “Các sản phẩm Việt Nam không xa lạ với người tiêu dùng tại CH Séc, bởi hai nước có quan hệ hợp tác truyền thống và cộng đồng người Việt sinh sống tại CH Séc đông, do đó các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản có ưu thế tốt hơn so với các nước khác như Thái Lan và Trung Quốc” - ông David Jarkisch khẳng định.
Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế CH Séc năm 2017 có thể đạt mức tăng trưởng 2,5- 2,8%, đây chính là cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh XK vào thị trường này.
Ông David Jarkisch- Tham tán Kinh tế Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam: Vào tháng 6 tới, Tổng thống nước Cộng hòa Séc, Ngài Milos Zeman sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Diễn đàn DN CH Séc - Việt sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Diễn đàn được kỳ vọng là cầu nối phát triển hơn nữa giao thương hai nước Việt Nam - CH Séc. |