Việt Nam có thêm hai Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Vào lúc 10h30 (giờ Việt Nam) ngày 26/11 tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở Hàn Quốc, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua hai hồ sơ Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kỳ họp lần này được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp, gồm 116 đại biểu đến từ 20/28 quốc gia thành viên tham dự. Đoàn Việt Nam có đại diện của Ủy ban UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hà Tĩnh tham dự.
Sau ba ngày làm việc liên tục, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua 12/13 hồ sơ ghi vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương.
Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Hàn Quốc |
Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam được ghi danh năm 2022 gồm Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943).
Bia ma nhai tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng gồm 78 bia, trong đó 76 tấm chữ Hán, hai tấm chữ Nôm. Đó là ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối... của các vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, quan khách... để lại trên các vách đá, hang động khi dừng chân ở Ngũ Hành Sơn từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thập niên 1960 của thế kỷ 20. Chữ được viết theo nhiều kiểu như chân, hành, thảo, triện... Đặc biệt, có phần ngự bút của vua Minh Mạng, được ghi chép trong nhiều tư liệu lịch sử như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên...
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng được ghi nhận là Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương |
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng - nhận xét đây là những tư liệu giá trị, chân thực và đặc sắc đến từ nhiều tác giả. "Vua Minh Mạng có nhiều bài thơ ngự chế, hai tấm bia khắc đại tự Vọng Giang đài và Vọng Hải đài thể hiện tư duy của người đứng đầu nhà Nguyễn. Ngoài ra, còn có thơ đề của Đào Tấn, Trương Quang Đản, Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thuật, Cao Xuân Dục...", ông nói.
Văn bản Hán Nôm (1689-1943) tại làng Trường Lưu, Hà Tĩnh là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay. Trong đó có 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng, 19 văn bằng và ba bức trướng bằng lụa. Các văn bản đều có giá trị nguyên gốc, có nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan. Chúng từng được sử dụng làm tư liệu để biên soạn sách. Nhiều thông tin được kiểm chứng, đối chiếu qua Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch. Văn bản được viết trên giấy dó, lụa, chữ đẹp, rõ ràng.
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi nhận là Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương |
Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết: "Đây là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ. Các tư liệu gốc này giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20".
Ngoài hai di sản của Việt Nam, kỳ họp cũng thông qua 10 hồ sơ khác đến từ Singapore, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Trung Quốc...
MOWCAP là một chiến lược hợp tác quốc tế nhằm giữ gìn, bảo vệ và tạo sự tiếp cận cũng như sử dụng phổ biến các di sản tư liệu, đặc biệt là những di sản quý hiếm và đang bị lâm nguy, được UNESCO phát động từ năm 1992. Kỳ họp lần này tổ chức theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của 116 đại biểu đến từ 20 quốc gia. Đoàn Việt Nam gồm đại diện của Ủy ban UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa, Đà Nẵng và Hà Tĩnh.
Đến nay Việt Nam có chín di sản tư liệu được vinh danh, trong đó ba di sản cấp thế giới (mộc bản triều Nguyễn, bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, châu bản triều Nguyễn), sáu hồ sơ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (hoàng hoa sứ trình đồ, mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, mộc bản trường Phúc Giang và hai tư liệu mới được công nhận).