Việt Nam có lợi thế trở thành trung tâm logistics hàng không của khu vực
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Quang – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietjet Air Cargo bên lề hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics" do Báo Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 28/4.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới ngành logistics nói chung và logistics hàng không nói riêng, Vietjet đã triển khai những giải pháp nào để thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới?
Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, Vietjet đã chủ động các kịch bản ứng phó với hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển dịch vụ phụ trợ… Đặc biệt, Vietjet đã chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa (cargo). Chúng tôi cũng là doanh nghiệp đầu tiên thành lập dịch vụ vận chuyển hàng hóa riêng trong đó có logistics, thương mại điện tử.
Ông Đỗ Xuân Quang – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietjet Air Cargo |
Từ thực tế cho thấy, việc Vietjet thực hiện chuyển đổi từ máy bay chuyên trở hành khách sang máy bay vận chuyển hàng hoá đã giúp cho công ty có doanh thu tương đối tốt, đảm bảo hoạt động bình thường.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình chính trị thế giới và ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước sẽ còn nhiều thách thức, với lợi thế mạng lưới của Vietjet rộng khắp ở các sân bay trong nước và quốc tế, cùng với kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa thời gian qua, chúng tôi đang tiến hành các vấn đề về số hoá các dịch vụ vận chuyển hàng hoá như xây dựng các mảng công nghệ số trong logistics hàng không.
Đặc biệt, với đội máy bay tương đối lớn, trong đó có những loại máy bay thân rộng Airbus A330 có thể tải được 22-25 tấn/ngày, cùng với dự kiến tăng lượng máy bay lên khoảng 300-400 chiếc trong 5-10 năm tới, với những lợi thế này, Vietjet tin tưởng sẽ có những đóng góp lớn cho ngành dịch vụ logistics hàng không trong thời gian tới.
Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn hiện nay của ngành logistics hàng không? Cũng như theo ông, đâu là cơ hội để logistics hàng không phát triển?
Về những khó khăn, trở ngại lớn của các doanh nghiệp logistics hàng không hiện nay là vấn đề kết nối hạ tầng giao thông. Các hệ thống sân bay hiện nay chưa có hệ thống kho hàng, nhà ga hàng hoá. Ngoài ra, các quy định về thủ tục hải quan cũng còn nhiều hạn chế. Thêm nữa lấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong ngành logistics hàng không.
Không chỉ các doanh nghiệp hàng không, các doanh nghiệp logistics hiện nay quy mô về vốn, về đầu tư, công nghệ còn hạn chế. Trong khi, hiện 90% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó dẫn đến ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.
Với những trở ngại trên, theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để chúng ta có những trung tâm chuyển tải lớn về hàng không như Singapore, Hong Kong, Thái Lan? Trong khi thực tế, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển logistics hàng không. Vì chúng ta có hai trung tâm chuyển tải lớn là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam xây dựng thành hệ thống vận chuyển khu vực trung tâm Đông Nam Á. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm chuyển tải của khu vực.
Để khắc phục những hạn chế và thúc đẩy phát triển ngành logistics hiện đại ngang tầm với thế giới, theo ông cần triển khai những giải pháp gì?
Để phát huy lợi thế, tiềm năng trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là logistics hàng không, theo tôi, trong thời gian tới, cần mở rộng đầu tư, phát triển trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại các cảng có nhu cầu hàng hóa lớn cũng như có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Cát Bi, Liên Khương, Phú Quốc.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển ngành logistics hiện đại ngang tầm với thế giới, cần sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ về ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động và sử dụng vốn có hiệu quả cho đầu tư phát triển logistic hàng không tại một số cảng hàng không có sản lượng chưa cao.
Cần thực hiện đầu tư đồng bộ để đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện đến các cảng hàng không, đặc biệt là với các trung tâm logistics; sớm hoàn thành quy hoạch nhà ga hàng hóa; dành quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo chiến lược, quy hoạch, đặc biệt quỹ đất cho đầu tư phát triển hệ thống nhà ga hàng hóa, các kho hàng không kéo dài.
Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp logistics cũng phải tự phát triển đáp ứng yêu cầu của thị trường như xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Trân trọng cảm ơn ông!