Việt Nam cần 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân. Vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được các nguồn lực, thúc đẩy được những nỗ lực, sáng kiến và hành động không ngừng của các bên liên quan.
Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2022 (Vietnam Connect Forum) với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, diễn ra chiều 8/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã đánh giá về những thuận lợi của việc thực thi chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại diễn đàn |
Theo ông Hà Kim Ngọc, việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Quan trọng hơn, chúng ta cũng nhận thấy rằng nhận thức của các địa phương, của doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết của sự phục hồi và tăng trưởng xanh, bền vững gia tăng lớn trong thời gian vừa qua. Cuối cùng, do đây là xu hướng lớn và phổ biến trên thế giới nên các đối tác nước ngoài cũng đang trong quá trình tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng của họ - là hợp tác với bên ngoài theo hướng xanh, bền vững, bao trùm. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương, cho các doanh nghiệp Việt cùng với đối tác nước ngoài để thúc đẩy hợp tác bao trùm, bền vững cùng có lợi.
Ở phương diện của địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng khẳng định: Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 10 và 11 đều đặt ra mục tiêu là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó mà 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì bắt buộc phải xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp gần đây đã theo xu hướng đổi mới công nghệ, sử dụng ít lao động hơn, và đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot. Đây là một xu thế góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh.
Bà Hoàng cho biết, trong thời gian tới, Đồng Nai cũng được thủ tướng chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch là 6,500 héc đất cho phát triển khu công nghiệp. Dự kiến Đồng Nai sẽ hình thành 8 khu công nghiệp nữa. Đối với khu công nghiệp mới chúng tôi ưu tiên phát triển khu công nghiệp sinh thái và trong các khu công nghiệp này cũng giành quỹ đất để bố trí nhà ở xã hội cho người lao động.
Diễn đàn thu hút 300 CEOs doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp cùng hơn 5.000 đại biểu tham dự trên nền tảng VnEconomy.vn |
Với tỉnh Thanh Hóa, theo ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh thông tin: quan điểm của địa phương là phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi hủy hoại môi trường sống. “Đây là một chủ đề mà Thanh Hóa đang rất quan tâm và chúng tôi đang ban hành rất nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Theo đó việc thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa phải đạt công nghệ cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh, không ảnh hưởng đến nguồn nước, không ảnh hưởng đến môi trường sống cho hiện tại và cả tương lai”- ông Thi cho biết.
Có thể thấy, về quan điểm và quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương đã thể hiện rất rõ về sứ mệnh và tầm nhìn phải đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, các điều kiện cần và đủ để thực thi chuyển đổi xanh, như đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và những chi phí tài chính khác cũng không dễ dàng đáp ứng, nhất là trong bối cảnh khó khăn và còn nhiều thách thức như hiện nay.
Vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được các nguồn lực, thúc đẩy được những nỗ lực, sáng kiến và hành động không ngừng của các bên liên quan.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.
Liên quan vấn đề này, ông Tạ Đình Thi - Phó chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất: Việt Nam phải cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững. Từ góc tiếp cận lập pháp, các cơ quan nhà nước theo chức năng và thẩm quyền của mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh có tính ổn định cao, tạo lập niềm tin của xã hội, nhất là khu vực đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch cấp trung ương, địa phương và nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh để phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở các cấp độ khác nhau, tạo điều kiện đấu nối và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương và quốc gia.
"Hiện nay, các ngành và địa phương đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - 2050 để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Đây là điều kiện tốt để các ngành, địa phương đặt trọng tâm chuyển đổi xanh trong các quy hoạch phát triển và đồng thời nghiên cứu xây dựng những gói hỗ trợ xanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Cộng đồng các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với các mô hình và xu hướng mới đã hình thành trong và sau đại dịch Covid-19. Do đó, việc xác định chiến lược đầu tư xanh, chuyển đổi xanh trở thành chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi thực chất nhất”- ông Thi nói.