Việt Nam- Australia: Hợp tác khoáng sản bền vững 2015
Khai thác khoáng sản hướng tới trách nhiệm với môi trường và xã hội đồng thời mang lại lợi nhuận cao.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Quang- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Diễn đàn Hợp tác khoáng sản bền vững Việt Nam- Australia 2015, được diễn ra sáng 19/3 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản. Chương trình hợp tác khoáng sản bền vững với Australia là một trong những lĩnh vực được ưu tiên và chú trọng.
Ông Nguyễn Minh Quang- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Diễn đàn
Hiện nay, tại Việt Nam có hai khu khai khoáng hàng đầu thế giới, đó là mỏ Núi Pháo của Công ty Masan Resources thuộc Tập đoàn Masan do một đội ngũ người Australia quản lý từ các phương thức và quy trình khai thác khoáng bền vững cho tới các công nghệ và dịch vụ khai khoáng. Dự án Niken ở Bản Phúc do Công ty TNHH Asian Minerel Resources sở hữu và điều hành với đội ngũ quản lý đến từ Australia luôn bảo đảm tuân thủ đúng các cách thức và tiêu chuẩn khai khoáng bền vững. “Diễn đàn Hợp tác khoáng sản Việt Nam- Australia nhằm khuyến khích thảo luận và chia sẻ một cách cởi mở các ý tưởng, cơ hội và thách thức để hướng tới việc xây dựng năng lực cũng như các quan hệ hợp tác và kinh doanh tích cực và lâu dài giữa hai bên”, Ông Layton Pike, Đại diện Lâm thời Australia tại Việt Nam cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng- Bộ Công Thương, tại Việt Nam, trừ một số loại khoáng sản như dầu khí, than đá, đồng… có công nghệ khai thác, chế biến ở trình độ tương đối hiện đại và trung bình còn lại phần lớn các khoáng sản khác được khai thác, chế biến bằng công nghệ thấp, đặc biệt là công nghệ làm giàu và chế biến quặng, thu hồi các loại khoáng sản có ích đi kèm còn chậm được đầu tư. Tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu rất chậm, không đạt tiến độ đề ra, đặc biệt đối với quặng titan, đất hiếm, chì do khó khăn về vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, thiếu sự liên kết hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong nước… Vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn hợp tác đầu tư với các đối tác có năng lực trong lĩnh vực lĩnh vực thăm dò, khai thác than đồng bằng sông Hồng đồng bộ với việc đầu tư Tổ hợp Nhà máy nhiệt điện chạy than tại khu vực này; Hợp tác đầu tư đồng bộ Tổ hợp Nhà máy điện- nhà máy điện phân nhôm tại Việt Nam; Hợp tác đầu tư Nhà máy điện phân nhôm tại nước ngoài nơi có nguồn điện và giá hợp lý sử dụng alumin sản xuất tại Việt Nam; Hợp tác đầu tư nhà máy chế biến sâu quặng titan; Hợp tác đầu tư chế biến đất hiếm tại Việt Nam; Hợp tác đầu tư tuyển để làm giàu quặng apatit loại. Đầu mối hợp tác phía Việt Nam là Tập đoàn Vinachem.