Thứ hai 12/05/2025 11:22

Vì sao phiên tòa xét xử phúc thẩm 3 cha con ông Trần Quí Thanh bị tạm hoãn?

Dự kiến, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án liên quan đến 3 cha con ông Trần Quí Thanh ra xét xử phúc thẩm vào sáng nay nhưng phiên tòa đã tạm hoãn.

Sáng nay, ngày 20/8, theo dự kiến, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án liên quan đến 3 cha con ông Trần Quí Thanh (người sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát) ra xét xử phúc thẩm.

Tuy nhiên, phiên tòa đã được tạm hoãn theo đơn đề nghị của Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (người bào chữa cho bị cáo) với lý do tòa để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ.

Cùng với đó, bị cáo Trần Quí Thanh cũng đồng ý với quan điểm của người bào chữa cho mình. Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (cùng bào chữa cho ông Thanh) có đơn xin xét xử vắng mặt.

Từ những đề nghị trên, xét thấy phiên tòa được mở lần đầu và để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa. Dự kiến, thời gian mở lại phiên tòa vào ngày 6/9.

Dự kiến, thời gian mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án của 3 cha con ông Trần Quí Thanh diễn ra vào ngày 6/9 (Ảnh: CTV).

Trước đó, cuối tháng 4/2024, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đưa vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” ra xét xử. Bị cáo là ông Trần Quí Thanh (70 tuổi) và 2 con gái là Trần Uyên Phương (42 tuổi) và Trần Ngọc Bích (39 tuổi, cùng ngụ quận Bình Thạnh, tạm trú tỉnh Bình Dương).

Kết quả, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù, các con gái Trần Uyên Phương 4 năm tù, Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng treo.

Về dân sự, do các bị hại yêu cầu hủy các hợp đồng được cơ quan chức năng công chứng, chứng nhận, hoàn trả tiền đã vay của cha con ông Thanh và xin nhận lại tài sản. Vì vậy, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã buộc bà Đặng Thị Kim Oanh phải trả lại hơn 235 tỷ đồng, ông Lâm Hoàng Sơn phải trả 115 tỷ đồng, ông Trần Huy Đông phải trả 78,4 tỷ đồng và ông Nguyễn Văn Chung hoàn trả 34,7 tỷ đồng cho cha con Thanh để nhận lại các tài sản bị chiếm đoạt.

Sau đó, tòa án đã nhận được đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt của ông Trần Quí Thanh (người sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát) và đơn xin hưởng án treo của bà Trần Uyên Phương. Đồng thời, ông Trần Quí Thanh cũng kháng cáo bổ sung về phần dân sự, yêu cầu người bị hại Đặng Thị Kim Oanh có trách nhiệm hoàn trả hơn 238 tỷ đồng, thay vì hơn 235 tỷ đồng như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Ông Trần Quí Thanh - người sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Dân Trí).

Theo nội dung của bản án sơ thẩm, từ năm 2019 đến 2020, thông qua một số người môi giới, ông Trần Quí Thanh và 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã cho một số doanh nghiệp, cá nhân vay tiền.

Cha con ông Thanh và các bên vay không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản, có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản.

Để tạo dựng lòng tin từ các bị hại và che đậy bản chất là vay tiền, cha con ông Thanh đã ký các “cam kết bán lại”, tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản; hứa hẹn khi thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản…

Theo chỉ đạo của ông Thanh, 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đứng tên nhận chuyển nhượng tài sản. Sau đó, nhóm của ông Thanh nhanh chóng làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.

Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, tiền lãi theo thoả thuận thì cha con ông Thanh nại ra lý do để từ chối việc thanh toán, không trả lại tài sản, cho rằng chủ tài sản vi phạm các điều khoản hợp đồng nên bị mất quyền mua lại; hoặc tạo ra các lý do khác như buộc chủ tài sản phải trả thêm tiền, không cho trả lẻ từng khoản mà bắt trả toàn bộ tiền gốc... Mục đích cuối cùng của nhóm ông Thanh là cố tình chiếm đoạt cho bằng được tài sản của bị hại.

Bằng thủ đoạn này, từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2020, ông Trần Quí Thanh và đồng phạm đã thực hiện 4 hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của 4 bị hại.

Cụ thể các tài sản gồm: 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành tại Đồng Nai của bà Đặng Thị Kim Oanh (là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh); 29 thửa đất được tách từ thửa đất 452 ở quận Bình Tân của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất ở TP Thủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất ở quận Bình Tân của ông Nguyễn Huy Đông.

Diệu Linh
Bài viết cùng chủ đề: Tân HIệp Phát

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 1: Biệt thự bên cạnh cụm công nghiệp ô nhiễm ở Bắc Ninh

Đà Nẵng: Cảnh báo lừa đảo trúng tuyển học bổng du học

Quảng Ninh: Triệt phá đường dây lừa đảo, dưới hình thức cá cược 'Cắt đá tìm ngọc'

Bắc Giang: Triệt phá đường dây sản xuất mỹ phẩm giả cực lớn

Công an Lạng Sơn thông tin việc bắt Tiktoker Lê Việt Hùng

Công ty Cà phê Ea Sim bị cưỡng chế thuế

Cưỡng chế thuế Chi nhánh Công ty hữu nghị Quốc tế

Bạc Liêu: Rà soát các dự án cây xanh để phục vụ điều tra

Đồng Nai: Xử phạt, buộc di dời nhà máy Bibica và Vinacafé Biên Hoà

Ba doanh nghiệp ở Tuyên Quang bị cưỡng chế do nợ thuế

Cưỡng chế thuế Công ty Ngọc Linh Quảng Nam tại Đắk Nông

Đối tượng Lê Việt Hùng bị bắt sau loạt bài phản ánh của Báo Công Thương

Đồng Nai: Chi nhánh Cao su Miền Nam bị xử phạt 720 triệu đồng

Hai doanh nghiệp tại Yên Bái bị cưỡng chế do nợ thuế

Thông tin mới nhất vụ Chu Thanh Huyền bị tố: Không liên quan, vẫn bán hàng mạnh

Thanh Hóa xử phạt Công ty Thần nông Thanh Hóa vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Cưỡng chế thuế Công ty Landscape Việt Mỹ tại Thanh Hóa

Đà Nẵng cưỡng chế tháo dỡ 7 ki-ốt ven biển

Cưỡng chế thuế Chi nhánh Xăng dầu Tây Nam S.W.P tại Long An

Cưỡng chế thuế Công ty Nạo vét và Xây dựng Đường thủy