Vì sao Đồng Nai gặp khó trong phát triển khu công nghiệp?
Tỉnh Đồng Naiđược phê duyệt quy hoạch 39 khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020. Đến cuối năm 2023 mới chỉ có 33 KCN được thành lập, diện tích đất cho thuê tại các KCN đang hoạt động đạt hơn 85%. Các KCN thu hút nhà đầu tư đến từ 42 quốc gia, vùng lãnh thổ với 2.074 dự án, tổng số vốn đầu tư nước ngoài hơn 29,2 tỷ USD và hơn 75 nghìn tỷ đồng vốn trong nước.
Theo lộ trình năm 2024, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ xin phát triển thêm 3-4 KCN mới, tuy nhiên việc phát triển KCN tại tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Toàn tỉnh có tới 10 KCN đang vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng diện tích đất khoảng 820ha. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá bồi thường thấp, chưa bố trí được các lô tái định cư cho các hộ dân sau khi thu hồi đất.
Đồng Nai gặp khó trong phát triển khu công nghiệp. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, việc phát triển các KCN tại tỉnh Đồng Nai đang gặp phải bài toán hạ tầng giao thông kết nối xuống cấp, thiếu đồng bộ. Việc này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, cũng như phát triển sản xuất kinh doanh của KCN. Một số doanh nghiệp đầu tư trong KCN phản ánh đường nối từ Quốc lộ 51 vào các KCN này xuống cấp.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, nhiều nhà đầu tư đã phản ánh nhiều khó khăn trong phát triển CCN.
Trong đó, đại diện KCN Nhơn Trạch 6 cho rằng, việc thay đổi giá thuê đất đột ngột một số khu công nghiệp trên địa bàn đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai cần tính toán giá cho thuê đất phù hợp, nhất trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Đại diện KCN Long Bình cũng nêu, vấn đề hạ tầng được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Trong khi, hạ tầng kết nối KCN Long Bình lâu nay là điểm nghẽn lớn nhất, bởi ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng rất lớn việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Do vậy, các ngành chức năng cần tính toán quy hoạch đồng bộ, nhất là giao thông kết nối.
Ngoài ra, phải tạo mối liên kết giữa các KCN, vì mỗi KCN có một thế mạnh, ngành nghề khác nhau. Để làm được điều này, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cần tăng cường gắn kết, giới thiệu cho nhà đầu tư để cùng đồng hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Trước phản ánh của nhà đầu tư, các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ.
Tỉnh đã thành lập tổ công tác để xử lý, thúc đẩy phát triển các KCN, tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên xử lý các vướng mắc trong quá trình phát triển các KCN. Trong thời gian tới sẽ tháo gỡ để các KCN hoàn tất việc giải phóng mặt bằng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh cải tạo lại tuyến đường nối từ Quốc lộ 51 vào các KCN. Còn KCN Ông Kèo, hiện nay tuyến đường vào đang được UBND huyện Nhơn Trạch xúc tiến đầu tư. Đường nối vào KCN Dầu Giây cũng được xem xét đầu tư... Ngoài giao thông sẽ tập trung vào các hạ tầng khác như cấp điện, cấp nước, đối với tỉnh UBND tỉnh Đồng Nai đảm bảo đủ điện phục vụ KCN.
Tuy nhiên, những giải pháp gỡ khó, đồng thời thúc đẩy KCN trên địa bàn tỉnh phát triển còn phải chờ quy hoạch của tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt mới đầy đủ căn cứ pháp lý để triển khai.
Được biết, Hội đồng thẩm định, thụ lý hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được thành lập. Dự kiến trong tháng 1/2024, tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. Địa phương mong muốn quy hoạch sớm phê duyệt để không chỉ KCN mà các lĩnh vực khác của Đồng Nai được triển khai đồng bộ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị, việc thành lập các KCN mới cần thúc đẩy nhanh hơn các thủ tục, hồ sơ, lộ trình để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Ban Quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị kinh doanh hạ tầng cần thực hiện nghiêm chủ trương đầu tư có chọn lọc ở các khu công nghiệp mới, điều này không chỉ mang đến sự phát triển vững chắc cho Đồng Nai mà còn là thịnh vượng, lâu dài cho mỗi doanh nghiệp.
Đối với các công ty kinh doanh hạ tầng KCN, cần nỗ lực hơn để phát triển bền vững, bằng việc tăng đầu tư hạ tầng, xử lý môi trường; đồng thời, cùng các nhà đầu tư thứ cấp quan tâm hơn nữa đến đời sống, nhà ở cho công nhân. Bởi, người lao động là vốn quý, tạo ra giá trị gia tăng và giá trị của mỗi doanh nghiệp.