Vì sao chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 của Hòa Bình giảm?
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 của Hòa Bình giảm 3,15% so với quý IV/2023; giảm 9,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 17,3% so với quý trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 14,96%.
Nguyên nhân, theo Tổng Cục Thống kê Hòa Bình, ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh chủ yếu là khai thác đá, sản phẩm đá phần lớn dùng trong xây dựng và làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng, do các tháng đầu năm 2024 còn đang trong mùa lễ hội nên hoạt động xây dựng giảm so với các tháng cuối năm, vì vậy chỉ số sản xuất hoạt động quý này bị giảm so với quý trước.
Công nghiệp chế biến chế tạo là ngành ưu tiên phát triển của Hòa Bình. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện quý I/2024 so với quý trước giảm 9,64%, so với cùng kỳ năm trước giảm 28,71%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh ảnh hưởng lớn từ ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện.
Kết quả dự kiến sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh là 1.071 triệu KWh điện so với quý trước, giảm 113 triệu KWh điện (giảm 9,52%); so cùng kỳ năm trước giảm 455 triệu KWh điện (giảm 29,83%).
Ngành công nghiệp cung cấp nước sạch và xử lý rác thải quý I/2024 so với quý trước giảm 16,14%; so với cùng kỳ năm trước giảm 1,94%. Nguyên do, sản lượng nước tiêu thụ trong quý của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị cấp nước sạch cho sinh hoạt kinh doanh trên địa bàn phía Tây Hà Nội giảm.
Kết quả sản lượng nước sạch của tỉnh tiêu thụ dự kiến trong quý I là 29.511 nghìn m3 so với quý trước giảm 5.946 nghìn m3 (giảm 16,77%), so với cùng kỳ năm trước giảm 604 nghìn m3 (giảm 2%).
Dù vậy, ngành công nghiệp của Hòa Bình vẫn có điểm sáng khi công nghiệp chế biến, chế tạo so với quý trước tăng 3,89%, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,02%.
Tháng 1/2024 là tháng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh đẩy mạnh gia tăng sản lượng để bù đắp cho quãng thời gian bị gián đoạn đầu tháng.
Đến giữa tháng 2 sau kỳ nghỉ tết đại đa số các cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo đã ổn định hoạt động, song còn một số doanh nghiệp có số ngày nghỉ tết dài hơn so với quy định và số lượng lao động bị giảm so với trước tết.
Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là định hướng dài hạn cũng là ưu tiên của tỉnh Hòa Bình. Ngành công nghiệp này đang chiếm khoảng 42% tổng giá trị toàn ngành, trên địa bàn hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có khoảng 6.600 cơ sở sản xuất.
Để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên tập trung phát triển hoàn thiện hệ thống lưới điện; ưu tiên dành đất cho phát triển công nghiệp…
Song song với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, ngành Công Thương triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, sản.
Thời gian tới, với mục tiêu đưa kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình cả nước vào năm 2025, ngành Công Thương Hòa Bình sẽ tiếp tục tham mưu để tỉnh tập trung vào 4 khâu đột phá chiến lược, đó là: Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm và tăng năng suất lao động; phát triển kết cấu hạ tầng. Đây cũng chính là nền tảng để các ngành công nghiệp của Hòa Bình tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Được biết, quý I/2024 có 95 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.000 tỷ đồng; 110 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; cấp thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 300 lượt doanh nghiệp; 152 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 15 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 45 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.