Thứ bảy 23/11/2024 11:08

Vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán: Băn khoăn mức phạt “chỗ quá nhẹ, chỗ lại quá nặng”

Sáng 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán có xu hướng gia tăng

Trình bày Tờ trình Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trải qua gần 30 năm hoạt động, thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

“Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm toán nhà nước, tính nghiêm minh của Luật Kiểm toán nhà nước - ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Về tính đặc thù trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, mục đích của việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và tán thành với tên gọi là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Về phạm vi điều chỉnh, do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với lĩnh vực này nên Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm Pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi; qua quá trình thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.

Về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6), mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7), Ủy ban Pháp luật nhận tán thành với các quy định này. Đồng thời, đề nghị chỉnh lý kỹ thuật văn bản đối với khoản 1 Điều 7 để bảo đảm rõ ràng, chính xác hơn; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán” để áp dụng với hành vi vi phạm hành chính “mua chuộc, hối lộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của dự thảo Pháp lệnh.

Đề nghị làm rõ hơn về phạm vi quy định xử phạt

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về 2 hành vi, và cần làm rõ. Ví dụ như, tại khoản 3 Điều 9 quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng về hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu. Còn khoản 4 Điều 9 quy định xử phạt 30 - 50 triệu đồng về hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại phiên họp

Theo bà Nga, cần quy định rõ ràng hơn như thế nào là không cung cấp thông tin, tài liệu và thế nào là từ chối cung cấp thông tin, tài liệu? Hiện nay, hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu bị phạt 20 - 30 triệu đồng, trong khi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu bị xử phạt 30 - 50 triệu đồng. Tại sao hành vi từ chối bị xử phạt nặng hơn hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu?.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 10 quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi không trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu. Còn khoản 4 quy định phạt tiền 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi từ chối trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu. “Quy định này chưa rõ ràng và chưa rõ khi nào là không trả lời và khi nào là từ chối trả lời? Do đó, cần làm rõ lý do tại sao lại phạt hành vi không trả lời nhẹ hơn hành vi từ chối trả lời” - bà Nga nêu vấn đề.

Liên quan đến Điều 13 quy định về hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, dự thảo Pháp lệnh đang quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên, nội hàm về tài chính công, tài sản công có phạm vi rất lớn. Trong khi biện pháp khắc phục dự thảo Pháp lệnh quy định là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Theo đó, nội dung này có nên quy định chi tiết hơn hay không?. “Các nội dung mức phạt tiền như quy định trong dự thảo Pháp lệnh, có chỗ thì quá nhẹ, có chỗ lại quá nặng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu thêm” - ông Cường bày tỏ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết trong hoạt động kiểm toán. Việc ban hành sớm, có lợi cho hoạt động kiểm toán nhà nước.

Song, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn nữa phạm vi xử phạt, cái nào xử lý theo Pháp lệnh, cái nào xử theo các luật có liên quan như: Luật Cán bộ công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, Pháp lệnh cần làm rõ để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi, tránh việc quy định mà không làm được.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại cho Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Pháp luật để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Kiểm toán nhà nước

Tin cùng chuyên mục

Sửa đổi Luật Hóa chất phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn Malaysia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sắp thăm, làm việc tại Đan Mạch và Phần Lan

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long thị sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Xung lực mới nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Bulgaria

Bộ Công Thương tiên phong cắt giảm, đơn giản thủ tục kinh doanh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và phát biểu tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Bế mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Cần đẩy nhanh đầu tư các dự án năng lượng tái tạo

Đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế

Nhiều tham luận tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định uy tín, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Brazil và Việt Nam-Dominica

Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các dự án thương mại, đầu tư Việt Nam-Dominica