Lễ trao giải Liên hoan được tổ chức trang trọng |
Sau hơn 5 tháng phát động (tháng 6/2015), Ban tổ chức đã nhận được 1.489 tác phẩm ảnh và bộ ảnh; 113 tác phẩm phim tài liệu và phóng sự gửi tham dự Liên hoan của 7 nước gồm: Myanmar, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Các tác giả đã thành công và đóng góp thiết thực trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng chung ASEAN. Đáng chú ý, trong đó có nhiều tác giả đến từ những vùng miền rừng núi, biển đảo còn nhiều khó khăn của Việt Nam cũng như một số quốc gia trong Cộng đồng ASEAN.
Các tác phẩm dự thi đều có đề tài và chủ đề phù hợp với tiêu chí mà Liên hoan đề ra, có chất lượng nghệ thuật tốt, phong cách sáng tạo đa dạng và hàm lượng thông tin cao, thể hiện một cộng đồng đa bản sắc nhưng cũng nhiều nét tương đồng. Những đề tài được các tác giả đề cập đến đều nhằm giới thiệu hình ảnh các nước ASEAN năng động, giàu tiềm năng; niềm khát khao xây dựng một xã hội phát triển, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong bối cảnh cuộc sống hiện tại vẫn còn những khó khăn. Các tác phẩm đồng thời phản ánh mọi góc cạnh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, trang phục của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số tại các nước ASEAN…
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, thành viên Ban giám khảo Liên hoan chia sẻ, có khá nhiều bất ngờ và thú vị đến với ông trong lần chấm giải này. Myanmar gửi đến tranh giải 3 bộ phim gồm: Nghi lễ cúng dường, tác giả Min Min Tun, Người gác đèn của Zay Yar Lin và Nhân quyền là gì? của Shune Lei Thar. Nội dung các bộ phim phản ánh số phận của người tàn tật trong xã hội đương thời, hay là mảng đời bình lặng của những đứa trẻ nông thôn. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó đầy ắp tình đời, tình người, nó khiến người xem muốn được gần nhau hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, với tác phẩm đoạt giải nhất Nhân quyền là gì?, vấn đề quyền con người một lần nữa trở thành mối quan tâm chung của nhiều dân tộc ASEAN, thể hiện tư tưởng không chỉ của một dân tộc mà của cả một cộng đồng.
Hay ấn tượng và “như một giấc mơ đầy huyền ảo” là bộ phim đoạt giải Nhì Chuyện làng Then của hai tác giả Trần Phi và Hoàng Dũng (Việt Nam). Phim kể lại câu chuyện về đội văn nghệ làng Then, ngôi làng có đến bốn thế hệ biết chơi violon thành thạo chỉ cách Hà Nội chưa đầy 90km về phía Bắc, thuộc xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Phim gây ấn tượng sâu sắc đến những người chấm giải bởi hình ảnh các thành viên đội văn nghệ tự hào, ưỡn ngực gác cây vĩ cầm lên vai chơi những bản nhạc Nga, Đức, Pháp và Việt Nam được chuyển soạn cho violon với một niềm say mê đến khó tả. Hình ảnh phim cũng chính là hình ảnh chân thực đời thường của cả một cộng đồng, một nét văn hóa đặc sắc của làng quê nông thôn Bắc bộ.
Phát biểu tại lễ trao giải ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan nhấn mạnh: Ngày 31/12, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức hình thành với 3 trụ cột chính là Chính trị - An ninh; Kinh tế và Văn hóa -Xã hội. Liên hoan Ảnh và Phim phóng sự - tài liệu về các dân tộc trong Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam năm 2015 là “một trong những hoạt động tuyên truyền, quảng bá và cổ vũ cho các dân tộc trong Cộng đồng ASEAN, để hướng tới một ASEAN hòa bình, ổn định, liên kết phát triển và hướng tới người dân. Quảng bá các tác phẩm ảnh, phim phóng sự - tài liệu là một trong những hoạt động góp phần xây dựng trụ cột văn hóa, xã hội của ASEAN.