Về Hải Dương dự Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc. Ảnh minh họa |
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; một lễ hội quan trọng của đất nước dịp mùa xuân. Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng là nơi kết tinh và hội tụ đậm đặc hệ thống di sản văn hóa đặc sắc nhất của vùng đất xứ Đông xưa-Hải Dương nay.
Nét mới đặc sắc nhất của phần lễ năm nay là lễ rước nước được tổ chức vào ngày khai hội. Đây là lần đầu tiên lễ rước nước được khôi phục sau nhiều năm bị thất truyền. Lễ rước nước nhằm mục đích lấy nước làm lễ mộc dục (tắm Phật), có ý nghĩa cầu mùa, cầu nước, cầu bình an, thể hiện sự gắn kết tình cảm của cộng đồng làng xã.
Bên cạnh đó, còn các nghi lễ truyền thống khác được tổ chức công phu như lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Trần Nguyên Đán, đền Nguyễn Trãi; đền Kiếp Bạc; lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; Lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn Giả; lễ đàn Mông Sơn thí thực. Một phần hấp dẫn không thể thiếu của Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc là phần hội với nhiều hội thi dân gian như thi gói bánh chưng, giã bánh giày; liên hoan pháo đất; thi đấu vật dân tộc
Theo Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, để chuẩn bị cho Lễ hội mùa xuân Ban Quản lý di tích đã lắp đặt 9 bộ dàn ảnh với trên 1.000 ảnh kích thước 25x30cm về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; 300 cờ hội được cắm tại đường dẫn từ hồ Côn Sơn vào chùa phục vụ nghi lễ rước nước. 1.000m cờ dây, 500 đèn lồng đã được treo tại khu vực nội tự di tích. Điểm mới trong công tác tuyên truyền trực quan năm nay là các bảng, biển, nội dung giới thiệu về lễ hội, di tích được dịch ra tiếng Anh. Khách tham quan nếu có nhu cầu sẽ được thuyết minh, hướng dẫn về di tích và lễ hội. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống... chủ động sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Dự kiến sẽ có hàng nghìn lượt du khách về dự lễ hội. Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, lực lượng an ninh sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát quanh khu vực tổ chức lễ hội, không để xảy ra các vụ trọng án, hỏa hoạn, tệ nạn xã hội; tăng cường tuần tra lưu động trên các tuyến đường dẫn vào các khu di tích, bố trí lực lượng chốt tại các điểm giao thông trọng điểm. Đồng thời sắp xếp, duy trì các hoạt động dịch vụ, hàng quán, xe ôm, trong khu vực lễ hội; có các biện pháp ngăn chặn các hành vi lừa dối, ép giá khách, hiện tượng trộm cắp, cướp giật tài sản và lừa đảo trá hình…
Được biết, trong mùa lễ hội năm nay sẽ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Thanh Hư Động là bảo vật quốc gia.