Thứ ba 26/11/2024 01:44

VCCI góp ý gì về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo?

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo VCCI, nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI về chi phí và thời gian đi lại để nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khá lớn, nhất là khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ yếu nằm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, việc kiểm tra đủ điều kiện về kho và máy xay xát vẫn do các Sở Công Thương thường xuyên thực hiện.

Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo

Điều 7 của Nghị định 107 hiện quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo thuộc về Bộ Công Thương. Do đó, để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng giao thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho UBND cấp tỉnh hoặc Sở Công Thương. Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm báo cáo về việc cấp phép cho Bộ Công Thương và doanh nghiệp vẫn phải báo cáo hoạt động đối với Bộ Công Thương định kỳ.

Điều 6.5 của Nghị định 107 quy định thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 05 năm. Sau mỗi 05 năm, doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận mới với thủ tục chứng minh đủ điều kiện kinh doanh tương tự như lần đầu. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 107 và phản ánh của các doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra định kỳ doanh nghiệp về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh (kho và cơ sở xay xát) và kịp thời phát hiện, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện.

Do đã có việc kiểm tra đáp ứng điều kiện thường xuyên, nên việc yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp Giấy chứng nhận mới sau mỗi 05 năm là không cần thiết. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định về thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đối với Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, so với quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP, Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về quy mô kho chứa (5000 tấn thóc) và công suất cơ sở xay, xát (10 tấn/h). Nghị định 107 chỉ còn yêu cầu doanh nghiệp phải có kho và cơ sở xay, xát phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Việc hạ các điều kiện đầu tư kinh doanh đã giúp tăng số lượng thương nhân xuất khẩu gạo, tăng tính cạnh tranh của thị trường lúa gạo. Thực tiễn cho thấy, từ khi Nghị định 107 ra đời, người nông dân có thêm sự lựa chọn khi tiêu thụ lúa gạo mình làm ra, giảm tình trạng bị ép giá. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã phát hiện và thâm nhập các thị trường khó tính mà trước đây gạo của Việt Nam chưa thể tiếp cận.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, để có thể đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật về kho và cơ sở xay, xát thóc gạo tại Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT, doanh nghiệp vẫn cần có chi phí đầu tư lớn, kể cả trong trường hợp đi thuê. Thông tư 12 vẫn yêu cầu nhiều điều kiện mang tính quy mô như dung tích của silo chứa gạo, công suất của máy xay xát 10 tấn/h và nhiều yêu cầu khác. Các điều kiện này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo số lượng lớn nhưng rất khó đáp ứng đối với doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam rất năng động trong việc tìm kiếm các thị trường mới như Châu Âu, Canada, Trung Đông… Đây là những thị trường đòi hỏi số lượng gạo ít, nhưng chất lượng cao, quy cách bảo quản, đóng gói tốt và có giá tốt. Hơn nữa, khách hàng tại các thị trường này (như các siêu thị, chuỗi của hàng…) thường có nhu cầu tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp nhiều loại nông sản cùng lúc, chứ không chỉ riêng mặt hàng gạo. Các doanh nghiệp này vẫn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cao như trên mà buộc phải uỷ thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đủ điều kiện.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mức phí uỷ thác xuất khẩu hiện khoảng 01 đến 05 đô la mỗi tấn hàng. Nói cách khác, các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đang có quyền cho thuê Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để được hưởng mức phí này. Vô hình trung, các quy định về điều kiện xuất khẩu gạo đang khiến hạt gạo của Việt Nam trở nên đắt hơn, khó xuất khẩu hơn.

Do đó, về lâu dài, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo, tiến tới tự do hoá thị trường. Việc bảo đảm dự trữ gạo bắt buộc nên được thực hiện theo hình thức Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, thay vì biện pháp hành chính như hiện nay.

Vào tháng 11/2022, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo Bộ Công Thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo đã được triển khai hơn 4 năm và đã có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Song, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, trong quá trình thực thi Nghị định cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được xem xét, sửa đổi.

Trong bối cảnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP tập trung giải quyết các vấn đề sau: chế độ báo cáo số liệu thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng; công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định; triển khai chương trình xúc tiến thương mại theo cơ chế đặc thù đối với mặt hàng gạo; ủy thác xuất khẩu; nhập khẩu gạo; hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ban soạn thảo đã tiến hành soạn thảo Nghị định trên quan điểm nhằm tiếp tuc hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.

Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định này.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính