Thứ tư 13/11/2024 13:58

Vay tiền trực tuyến - lợi bất cập hại

Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương có cảnh báo tới người dân khi sử dụng dịch vụ này.

Trong quý II/2018, sự sụp đổ của hàng loạt các mô hình cho vay trực tuyến, kéo theo các vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, tính mạng của người dân tại Trung Quốc đã đặt ra nhiều vấn đề mang tính cấp bách cho các nền kinh tế trong khu vực châu Á.

Thông tin từ Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD cho biết, tại Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng, các công ty tài chính, trong vài năm gần đây đã có sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng, rộng rãi của các mô hình cho vay trực tuyến (online), thường được biết đến với tên gọi như: “Vay tiền nhanh online”; “Vay tiền không thế chấp”, “Vay tiền không cần gặp mặt”… Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay (công ty tư vấn).

Tùy vào mô hình hoạt động mà người cho vay có thể được xác định cụ thể là một đối tác hợp tác với công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của ucash.vn; ATMonline.vn, avay.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn, olava.vn, fastdong.com, dongshopsun.vn…) hoặc không được xác định cụ thể, có thể là tổ chức, cá nhân bất kỳ có đăng ký cho vay trên hệ thống của công ty tư vấn (ví dụ như mô hình của tima.vn; vaymuon.vn - các mô hình hiện được biết đến trên thị trường thế giới với tên gọi là mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer, P2P)).

Từ thực tế ghi nhận trong thời gian qua, căn cứ bài học kinh nghiệm tại Trung Quốc, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến, Cục CT&BVNTD cảnh báo người dân khi sử dụng dịch vụ này cần: Cẩn trọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay, nghiên cứu kỹ các điều khoản cho vay, nghiên cứu về chủ thể và thủ tục giải ngân, đặc biệt là lãi suất cho vay, điều kiện hủy giải ngân, chính sách gia hạn khoản vay, lưu giữ hợp đồng và cân nhắc khả năng tài chính trước khi vay.

Cụ thể, do phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn, trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù, ví dụ như: để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (facebook, zalo…), hoặc để liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn (điện thoại của người thân, của đồng nghiệp…);... Vì vậy, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người tiêu dùng cần tìm và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.

Trước khi xác nhận vay, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu và nghiên cứu các nội dung liên quan đến giao dịch bao gồm: quy trình phê duyệt và giải ngân để có thể hiểu rõ chủ thể và thủ tục cung cấp khoản vay. Trong một số mô hình cho vay trực tuyến, một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục, ví dụ, ký hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân.

Đối với giao dịch cho vay trực tuyến có liên quan đến hoạt động kinh doanh cầm đồ, theo quy định tại khoản 1, Điều 468 của Luật Dân sự 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác, ví dụ, phí tư vấn, phí quản lý khoản vay… Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu xem tổng cộng phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, trong đó, bao gồm những khoản tiền gì, cách thức tính ra sao, cách thức thanh toán, thanh toán cho ai và thời hạn thanh toán...

Người tiêu dùng nên tìm hiểu và yêu cầu bên cho vay cung cấp tài liệu xác nhận về thời hạn được hủy giải ngân, quy định về chi phí và cách thức gia hạn khoản vay để có thể chủ động, kịp thời xử lý khi có nhu cầu. Để đọc và đảm bảo tính chính xác của các nội dung trên, người tiêu dùng nên chủ động tìm trên website hoặc đề nghị công ty tư vấn cung cấp mẫu hợp đồng và toàn bộ các điều kiện giao dịch kèm theo để nghiên cứu trước khi xác nhận giao dịch.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên hỏi rõ về hình thức hợp đồng giao kết và cách thức công ty gửi cho người tiêu dùng hợp đồng để lưu giữ. Chỉ xác nhận đồng ý ký hợp đồng sau khi đã được tìm hiểu và nhìn rõ các nội dung thể hiện trên hợp đồng, tránh trường hợp thông tin bị thay đổi giữa nội dung tư vấn và trên hợp đồng đã ký.

Sau khi ký, người tiêu dùng nên yêu cầu công ty gửi bản hợp đồng đã ký để lưu giữ và đối chiếu, sử dụng khi có phát sinh tranh chấp. Trường hợp phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn, quảng cáo, người tiêu dùng nên sử dụng các hình thức phản ánh, khiếu nại có lưu vết tới công ty, như gửi email, gửi qua bưu điện có xác nhận chuyển phát.

Theo ghi nhận, chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại các đơn vị tổ chức tín dụng. Vì vậy, mặc dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người tiêu dùng nên có tính toán cụ thể, chắc chắn để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.
Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Công khai danh sách 136 doanh nghiệp, người nợ thuế hơn 13 tỷ đồng

Lâm Đồng: Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân cấp 7 sổ đỏ trái luật

Công an Hà Nội truy tìm thanh niên nhận tiền chạy việc rồi 'mất hút'

Công an Hà Nội cảnh báo thủ đoạn giả danh shipper gọi điện lừa đảo

TP. Cần Thơ: Tạm hoãn xuất cảnh nhiều lãnh đạo doanh nghiệp do nợ thuế

Nghệ An: Công ty TNHH Phúc Thổ nợ thuế hơn 53 tỷ đồng

TP. Hồ Chí Minh: Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm tại 2 dự án chợ Minh Phụng và Phú Lâm

Lào Cai: Ngừng sử dụng hoá đơn của Công ty Xây dựng và Thương mại Bắc Long do nợ thuế

Bộ Công an khám xét kho chứa titan của Công ty Chế biến khoáng sản Thân Gia

Hà Tĩnh: Cưỡng chế thuế hơn 4,7 tỷ đồng đối với Công ty vật liệu xây dựng Licogi 166

Công ty Hoàng Long Tuyên Quang nợ thuế hơn 4,5 tỷ đồng bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Đồng Nai: 3 công ty Bá Lộc, Công nghiệp Plus Việt Nam và Quốc tế Grande bị phạt hơn 1,2 tỷ đồng

Vì sao Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Vũng Tàu bị bắt?

Công an thành phố Hà Nội đánh sập trang phim lậu Fmovies với gần 50.000 phim xâm phạm quyền tác giả

Lạng Sơn: Công ty TNHH 8888 LS bị phong tỏa tài khoản do nợ thuế hơn 5,9 tỷ đồng

Bộ Công an thông tin mới nhất vụ án Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, Tập đoàn Thuận An

Nghệ An: Công ty thương mại đầu tư Miền Bắc bị cưỡng chế nợ thuế hơn 3,2 tỷ đồng

Vì sao Công ty công nghệ mỏ Thanh Hóa bị bác đề xuất thăm dò mở rộng mỏ khoáng sản Vân Du?

Bà Rịa – Vũng Tàu: Bắt 1 nhân viên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ

Lâm Đồng: Tạm giữ nhân viên quản lý bảo vệ rừng cấu kết với 'lâm tặc' khai thác lâm sản trái phép