Vay ngang hàng vì sao chưa phát triển?
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của nền tảng cho vay ngang hàng tại Việt Nam?
Theo số liệu Rapbank có được, chúng tôi đánh giá cung và cầu thị trường vay ngang hàng (P2P) rất lớn. Cụ thể, tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng đến tháng 6/2019 đạt 4,72 triệu tỷ đồng, chưa kể vàng, bất động sản... Như vậy, người dân có nhu cầu đầu tư lớn nếu như kênh đầu tư đó an toàn, minh bạch, sinh lời và hợp pháp.
Ông Phan Đình Điền - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, Founder Rapbank Việt Nam chia sẻ về tiềm năng của vay ngang hàng tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2019 |
Về phía người cần vay vốn, chúng tôi ghi nhận số liệu về người dân chưa có thông tin hoặc chưa có nợ xấu trên hệ thống CIC vào khoảng 50% dân số (6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu tổ chức tín dụng tăng gần 2 triệu so với cuối năm 2018 lên trên 40,9 triệu). Họ là những người hạn chế tiếp cận tổ chức tín dụng như người dân ở vùng sâu vùng xa; đối tượng khó/không chứng minh được dòng tiền (thu nhập, chi phí) với tổ chức tín dụng, công ty tài chính và hầu hết đối tượng có nhu cầu vay dưới 50 triệu đồng.
Tuy nhiên hiện nay nền tảng cho vay ngang hàng tại Việt Nam lại đang phát triển một cách tự phát, manh mún, phục vụ cho những nhóm nhà đầu tư cụ thể với mong muốn thu được lợi nhuận càng lớn càng tốt, khiến chi phí về phía khách hàng đẩy lên cao. Hơn nữa trong các ứng dụng cho vay ngang hàng này không thật sự thông minh như chúng ta mong muốn. Điều này khiến thị trường ngày càng có ác cảm với những ứng dụng cho vay online.
Ảnh minh họa |
Theo ông, đâu là những thách thức trong việc phát triển dịch vụ cho vay ngang hàng tại Việt Nam?
Đầu tiên, đây là dịch vụ mới, chưa có tại Việt Nam trước đây. Về hành vi người tiêu dùng, ở Việt Nam lâu nay việc cho vay mượn tiền (ngoài ngân hàng và không tính các hình thức cầm đồ) thông qua người thân, bạn bè, đồng nghiệp dựa trên đánh giá của cá nhân nên chưa quen với nền tảng P2P.
Tại Việt Nam, với sự bùng nổ của các công ty Fintech, mô hình cho vay ngang hàng xuất hiện cách đây khoảng 2 năm. Đây là mô hình kinh doanh mới được xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. |
Thứ hai, do ảnh hưởng bởi làn sóng phá sản các công ty P2P tại Trung Quốc cũng như các công ty, cá nhân cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng P2P phát triển các app, website đã làm ảnh hưởng đến tâm lý người dùng muốn tham gia thị trường này. Bên cạnh đó, các hạn chế về kiến thức tài chính từ người dân dẫn đến việc dịch vụ vay ngang hàng bị lạm dụng trở thành một kênh của nạn tín dụng đen, khiến cho thị trường hình thành những mảng tối khó điều chỉnh.
Một điểm quan trọng nữa, tại Việt Nam chưa có một nguồn dữ liệu dân cư đồng bộ, đủ để phân tích, đánh giá khách hàng. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng tại Việt Nam. Cuối cùng là hiện nay chưa có một định hướng, một đầu mối, hay một cơ quan chủ quản nào để fintech phát triển mạnh nền tảng P2P. Vì thế, tôi cho rằng sẽ cần một thời gian nữa để thị trường định hình và các nhà điều hành luật pháp đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn.
Vậy Rapbank có những chiến lược gì để khắc phục những thách thức đó? Đồng thời để thị trường phát triển, Rapbank có đề xuất nào trong cách thức phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính và cơ quan quản lý nhà nước, thưa ông?
Để khắc phục những thách thức đã nêu, chiến lược của Rapbank là xây dựng chính sách về hoạt động và khung lãi suất theo sát quy định của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cân bằng cho các bên tham gia. Và chúng tôi tận dụng công nghệ để thu hút được đại đa số người dùng tiềm năng, nhưng lựa chọn tiếp cận trực tiếp bằng đội ngũ thẩm định viên tinh nhuệ để sàng lọc và thu thập thông tin chuẩn xác, giá trị cao, nâng cao chất lượng của mỗi kết nối. Về lâu dài, chúng tôi xây dựng chương trình giáo dục tài chính, huấn luyện kỹ năng tài chính để nâng cao kiến thức, năng lực quyết định tài chính của người dân.
Tuy nhiên ngoài sự nỗ lực của chúng tôi thì các ngân hàng, công ty tài chính phải được một sự hợp tác toàn diện hơn nữa, thay vì Rapbank là đơn vị giúp tìm kiếm khách hàng cho ngân hàng, chúng tôi mong rằng có thể trở thành đơn vị tư vấn, đề xuất ngân hàng giải ngân. Về phía cơ quan nhà nước, chúng tôi hi vọng có thể trở thành đơn vị thí điểm, đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế, quy định chuẩn chỉnh để điều hành thị trường.
Xin cảm ơn ông!