Thứ hai 05/05/2025 11:19

Vận chuyển container bằng tàu nội địa: Xuất khẩu sẽ gặp khó?

Chủ trương tạm dừng cấp phép cho tàu nước ngoài vận tải container trên các tuyến nội địa từ ngày 1/1/2013 của Bộ Giao thông vận tải là định hướng đúng, nhằm phát triển đội tàu mang cờ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về năng lực của đội tàu Việt Nam.

Tàu nội địa có thể thay thế hoàn toàn tàu nước ngoài trong vận chuyển container?

 - Cơ hội cho vận tải thủy trong nước

Cuối tháng 6/2012, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 5063/BGTVT-VT, nội dung: Từ ngày 1/1/2013, việc gia hạn, cấp mới giấy phép vận tải container đối với các tàu biển không treo cờ Việt Nam có thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng sẽ bị tạm dừng. Điều này đồng nghĩa với việc đội tàu biển treo cờ nước ngoài, gồm 20 chiếc, tổng trọng tải khoảng 500.000 DWT, sẽ không có mặt tại thị trường vận tải container nội địa.

Thực tế, thị phần vận tải container nội địa đang bị các tàu mang cờ nước ngoài đảm nhận phần lớn các tuyến chính: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quy Nhơn, Đà Nẵng đi Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu. Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, đội tàu container Việt Nam sẽ bị mất thị phần trên sân nhà. Theo Hiệp hội chủ tàu, với 24 tàu treo cờ Việt Nam hiện có và 3 tàu container của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ nhận và đưa vào khai thác cuối năm 2012, đầu 2013 với tổng trọng tải 16.000 TEU sẽ đủ khả năng đáp ứng hoàn toàn nhu cầu vận tải container nội địa giai đoạn 2013- 2015.

Theo tính toán, nếu làm tốt thị phần vận chuyển container nội địa sẽ mang về cho đội tàu Việt Nam khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Năng lực của đội tàu Việt Nam hiện dư thừa, đang có ít nhất 2 tàu container trọng tải 1.000 TEU phải “nằm im nghe sóng vỗ” và nhiều doanh nghiệp đã phải bán tàu hoặc cho nước ngoài thuê, treo cờ ngoại.

Lo ngại hàng xuất khẩu gặp khó?

Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và đại diện các đơn vị liên quan về vấn đề này, nhiều ý kiến được đưa ra với không ít lo lắng: Hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ mất đi sức cạnh tranh nếu tàu nội không làm tròn được vai trò vận chuyển, thời gian giao hàng và các dịch vụ khác đi kèm. Việc ưu tiên cho chủ tàu Việt Nam có thể sẽ sinh ra độc quyền và không nâng cao được chất lượng dịch vụ...

Ông Bùi Thiên Thu- Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam- khẳng định: Tàu Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực thay thế 20 tàu container treo cờ nước ngoài đang chạy trên các tuyến vận tải biển nội địa. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công vẫn băn khoăn về khả năng đáp ứng của đội tàu Việt Nam, cũng như những cạnh tranh về giá: Số lượng và tải trọng tàu trong nước có thể đáp ứng được, nhưng có nhiều tàu mớn nước khá lớn nên chưa chắc vào được cảng Việt Nam, đơn cử có hai tàu đang “đắp chiếu” do có mớn nước 11m, chỉ vào được một số cầu cảng của Cái Mép - Thị Vải, không thể vào được cảng Hải Phòng.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải tỏ ra lo ngại giá cước của tàu trong nước thiếu cạnh tranh so với tàu ngoại, nhiều tàu ngoại chở hàng xuất khẩu Việt Nam theo kiểu “một công đôi việc” trong cùng một chuyến hành trình quốc tế, nên giá cước rẻ hơn tới 50% so với các doanh nghiệp vận tải biển nội địa. Một điều băn khăn nữa: Các chủ tàu Việt Nam chưa hề cam kết giữ giá cước, thậm chí còn đòi nhà nước hỗ trợ.

Ở góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh không khỏi băn khoăn: Nếu cấm tàu ngoại, dùng tàu nội mà tăng chi phí sẽ khiến hàng xuất khẩu càng khó cạnh tranh về giá. Không thể xét một cách cơ học về những con số để đưa ra kết luận tàu nội có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, bởi còn nhiều yếu tố khác trong việc giao nhận hàng, như tàu lớn khó vào cảng, tàu không muốn ghé nhận hàng ít...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Nếu hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, Việt Nam có thể mất cả thị trường lớn. Khi đó, thay vì giải quyết khó khăn của đội tàu thì Chính phủ lại phải đồng thời giải quyết khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất.

Duy Minh

baocongthuong.com.vn