Ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật dược |
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật dược. Các đại biểu đã cơ bản nhất trí về dự thảo, tuy nhiên đề nghị cần tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình và thông qua Quốc hội trong kỳ họp tới đây.
Các nội dung còn ý kiến khác nhau như cấp chứng chỉ hành nghề dược; phát triển công nghiệp dược cũng như vấn đề quản lý nhà nước về chất lượng và giá thuốc; trách nhiệm của các Bộ trong việc quản lý dược liệu...
Đối với việc cấp chứng chỉ, các đại biểu thống nhất sẽ trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án một là cấp 5 năm 1 lần cho dễ quản lý và phù hợp với thông lệ quốc tế; và phương án hai là cấp 1 lần. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dù theo phương án nào cũng phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cấp phép cho những người có chuyên môn, đạo đức, làm được việc.
Đối với vấn đề phát triển công nghiệp dược, các ý kiến đều cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực này với vùng nguyên liệu đa dạng phong phú và là nghề truyền thống ở nhiều vùng. Việc định hướng phát triển toàn bộ ngành công nghiệp dược ở Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn là định hướng lâu dài. Trong giai đoạn tới, dự thảo Luật cần quy định tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Bà Trương Thị Mai đọc báo cáo giải trình |
Trong quản lý nhập khẩu dược liệu cần tăng cường kiểm soát, trách nhiệm, quản lý của các Bộ ngành liên quan. Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Hải quan, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... trong quản lý nguồn gốc của các dược liệu để tránh sự đưa đẩy trách nhiệm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng đây là Luật dược sửa đổi lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, cần sớm bổ sung, hoàn thiện để xin ý kiến đại biểu Quốc hội về những nội dung còn khác biệt trước khi thông qua.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.