Ưu tiên giải pháp đột phá phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng
Quy mô kinh tế tăng đều
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Đây cũng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội.
Vùng đồng bằng sông Hồng được đánh giá quy mô kinh tế trưởng bền vững chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa |
Ngày 14/9/2005 Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến năm 2020, quy mô kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 2.373.820 tỷ đồng, chiếm 31,61% tổng GDP của toàn nền kinh tế và đứng thứ hai về quy mô kinh tế trong các vùng kinh tế xã hội của cả nước, chỉ sau vùng Đông Nam Bộ.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 8,22%/năm. Tỷ trọng GDP của vùng so với cả nước liên tục tăng, từ 27,7% năm 2015 lên 29,4% năm 2020, trong khi sự đóng góp của vùng Đông Nam Bộ có xu hướng giảm dần, thực tế này cho thấy vai trò đầu tàu kinh tế ngày càng quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là sự hình thành các cực tăng trưởng mới như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
“Hà Nội vẫn là đầu tàu tăng trưởng của cả vùng, với quy mô kinh tế năm 2020 chiếm 43,4% tổng GRDP của toàn vùng, kế tiếp là TP. Hải Phòng với 11,76%, tiếp đến là tỉnh Quảng Ninh và Vĩnh Phúc, tỷ trọng tương ứng là 8,66%: 8,69%, các tỉnh còn lại chiếm tỷ trọng 23,66%”- báo cáo Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi vùng vùng đồng bằng sông Hồng có 90 khu công nghiệp (chiếm 24,4% tổng khu công nghiệp cả nước). Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp tại Vùng đồng bằng sông Hồng hơn 9,749 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 56,99%. Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,83 triệu lao động trực tiếp.
Thêm định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng
Với kết quả trên vùng đồng bằng sông Hồng được đánh giá quy mô kinh tế trưởng bền vững chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng thời gian qua chủ yếu vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ của từng địa phương trong vùng, tính liên kết, hợp tác phát triển chưa cao, đặc biệt là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển công nghiệp, du lịch. Chưa có sự phân công công nhiệm vụ cụ thể cũng như xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong vùng. Việc này dẫn đến yêu cầu phải xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong phát triển vùng, đặc biệt là vai trò của các đô thị lớn, các đầu tầu kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc tạo sự lan tỏa, lôi kéo sự phát triển của toàn vùng.
Để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đưa ra một số gợi ý chính sách mang tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể như xây dựng trung tâm kết nối với thế giới, trung tâm này cần thể hiện vai trò nối kết với kinh tế toàn cầu của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đây sẽ là nơi đặt trụ sở hoặc văn phòng cấp vùng của các công ty vận tải, hãng tàu, các tập đoàn sản xuất công nghiệp. “Khu trung tâm này sẽ được hình thành các nhân tố để trở thành trung tâm tạo dựng năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế của đồng bằng sông Hồng nói riêng, của cả nước nói chung”- đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn tiếp theo cần thu hút thêm các nhà đầu tư dẫn dắt và tiến đến các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành. Một số đề xuất chính sách trong việc tiếp thị và thu hút đầu tư như đặt mục tiêu mang tính cụ thể trong thu hút các nhà đầu tư dẫn dắt các dự án đầu tư quy mô lớn có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa. “Một mục tiêu phù hợp có thể là hàng năm đặt mục tiêu thu hút được một số tập đoàn trong nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu (Fortune 500) đến đầu tư tại các tỉnh/thành phố đồng bằng sông Hồng”- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất.
Ngoài ra Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng nên phát triển Khu thương mại tự do là một dạng đặc khu kinh tế. Đơn cử như Hải Phòng, Quảng Ninh cần xem xét có thể đưa ý tưởng phát triển khu thương mại tự do theo cách mới bằng cách phát triển ít nhất một khu đô thị (khu trung tâm) có quy mô lớn theo hướng trở thành một trung tâm kết nối hiện đại với đồng bằng sông Hồng trong 30 năm tới.
Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức ngày mai (12/7) do ban kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Quốc gia sẽ đưa ra những giải pháp và luận cứ khoa học vào công tác tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng, trong đó có thêm các định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. |