Ung thư vòm họng có chữa khỏi được không?
Các triệu chứng dễ nhận biết ung thư vòm họng
ThS. BS. Vũ Văn Tiến - Chuyên gia Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết: Bệnh nhân ung thư vòm họng thường đau nửa đầu, đau sâu trong hốc mắt hoặc vùng thái dương, vùng đỉnh, đau âm ỉ. Tuy đây là dấu hiệu sớm nhưng đôi khi khó khăn trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Khi thấy những dấu hiệu: Đau đầu, chảy máu mũi, triệu chứng ở 1 bên tai và nổi hạch cổ bất thường cần đi khám sớm |
Theo một số nghiên cứu về bệnh nhân ung thư vòm họng, đau đầu là triệu chứng duy nhất, hầu hết các bệnh nhân đi khám chuyên khoa thần kinh, được chẩn đoán đau đầu do căn nguyên mạch máu và thần kinh, chụp phim cắt lớp vi tính sọ não nhưng không phát hiện tổn thương. Những bệnh nhân này được điều trị thuốc không đỡ, khám lại và chụp phim cộng hưởng từ (MRI) sọ não mới phát hiện tổn thương vòm xâm lấn nền sọ, kết hợp với chuyên khoa Tai Mũi Họng để nội soi sinh thiết khối u vòm chẩn đoán xác định bệnh.
Vòm họng có vị trí giải phẫu mật thiết với vùng nền sọ, tai và mũi nên những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư vòm họng sẽ biểu hiện ở các cơ quan này. Theo hầu hết các nghiên cứu, 4 dấu hiệu sớm của bệnh ung thư vòm họng là: Đau đầu, chảy máu mũi, triệu chứng ở 1 bên tai và nổi hạch cổ.
Về nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia y tế nhận định, hiện nay chưa có nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên, có 3 nhóm yếu tố nguy cơ khiến dễ mắc bệnh hơn, đó là: Yếu tố di truyền, trong gia đình có người mắc ung thư vòm họng thì khả năng người còn lại mắc bệnh cũng nhiều hơn; nhiễm virus EBV; môi trường sống tiếp xúc nhiều với thuốc lá, rượu bia, hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí, hoá chất độc hại. Sử dụng nhiều các loại thịt nướng, thịt hun khói, đồ hộp, đồ muối như dưa muối, cá muối... vì có thành phần Nitrosamin tăng nguy cơ gây ung thư.
Phương pháp điều trị
TS.BS Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội - cho biết, phương pháp điều trị ung thư vòm họng chủ yếu bằng xạ trị, hóa trị và hiếm khi phẫu thuật. Chẩn đoán xác định dựa trên thăm khám lâm sàng và sinh thiết xét nghiệm mô bệnh học; chụp CT, MRI, SPECT hoặc PET-CT để đánh giá giai đoạn bệnh.
Theo bác sĩ Khiêm, việc điều trị bệnh ung thư vòm họng được tính chung là tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của người bệnh. Điều này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như người bệnh được chẩn đoán ung thư vào giai đoạn nào, khối u đã di căn hay chưa và di căn tới vị trí nào trong cơ thể; thể trạng của người bệnh có đáp ứng với phương pháp điều trị hay không; người bệnh có đủ điều kiện kinh tế để theo đuổi liệu trình điều trị hay không?
Tuy nhiên khi bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì kết quả điều trị kết quả sống thêm 5 năm là dưới 40%.
Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) có khuyến nghị việc điều trị hóa trị trong các tình huống sau đây cho những bệnh nhân ung thư vòm họng từ giai đoạn II – IVA: Ung thư giai đoạn II di căn đến các hạch bạch huyết: Hóa trị có thể được khuyến nghị cùng với xạ trị để thực hiện trong cùng một khoảng thời gian.
Ung thư giai đoạn II chưa di căn đến các hạch bạch huyết: Hóa trị vẫn có thể được chỉ định nếu có dấu hiệu cho thấy ung thư có khả năng di căn.
Ung thư giai đoạn III – IVA: Sử dụng hóa trị bổ trợ trước hoặc kết hợp với hóa trị bổ trợ.
Phác đồ điều trị ung thư vòm họng bằng hóa trị bổ trợ trước bao gồm kết hợp gemcitabine (Gemzar) và cisplatin (Platinol); kết hợp docetaxel (Taxotere) với cisplatin và 5-fluorouracil (5-FU); kết hợp cisplatin và 5-fluorouracil; kết hợp cisplatin và capecitabine (Xeloda); kết hợp docetaxel và cisplatin.
Đối với các khối u lớn ở giai đoạn III không liên quan đến các hạch bạch huyết. Hóa trị bổ trợ trước hoặc hóa trị bổ trợ được khuyến khích.
Các phác đồ điều trị hóa chất bổ trợ bao gồm: Cisplatin; 5-fluorouracil và/hoặc carboplatin.
Phẫu thuật: Phẫu thuật là việc loại bỏ khối u và một số mô lành xung quanh nhưng đây không phải là một lựa chọn điều trị phổ biến. Bởi vì khu vực này khó tiếp cận và nằm gần các dây thần kinh sọ não và mạch máu.
Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, phẫu thuật cắt bỏ các hạch bạch huyết ở cổ có thể được khuyến nghị. Phẫu thuật này cũng có thể chỉ định đối với ung thư biểu mô không biệt hóa của vòm họng.
Ngoài những phương pháp nêu trên, điều trị ung thư vòm họng còn thực hiện liệu pháp thuốc nhắm trúng đích. Khác với các loại thuốc hóa trị tiêu chuẩn, các loại thuốc nhắm trúng đích có thể hoạt động trong một số trường hợp khi thuốc hóa trị không hoạt động hoặc dùng để giúp thuốc hóa trị hoạt động tốt hơn. Chúng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau nhưng nhẹ hơn so với thuốc hóa trị.
Thuốc nhắm trúng đích thường được dùng nhiều nhất cho bệnh nhân ung thư vòm họng là Cetuximab (Erbitux); EGFR; Cetuximab.
Với liệu pháp miễn dịch: Là việc sử dụng các loại thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của người bệnh để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp này có thể được chỉ định cho một số trường hợp mắc ung thư vòm họng bằng cách sử dụng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch thường được dùng như: Pembrolizumab (Keytruda) và Nivolumab (Opdivo) là những loại thuốc nhắm vào PD-1, đó là một loại protein trên các tế bào của hệ thống miễn dịch và chúng được gọi là tế bào T. Các thuốc này sẽ ngăn chặn PD-1 và giữ cho các tế bào T không tấn công các tế bào khác trong cơ thể.
Liệu pháp điều trị giảm nhẹ: Phương pháp điều trị ung thư gây ra các triệu chứng và tác dụng phụ về thể chất, cũng như ảnh hưởng đến tình cảm, xã hội và tài chính. Quản lý tất cả những tác động này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Đó là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm cả các phương pháp điều trị nhằm làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ ung thư.
Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc cải thiện cảm giác của người bệnh trong quá trình điều trị. Điều này bao gồm việc quản lý các triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân cùng gia đình của họ với các nhu cầu khác, không liên quan đến y tế.
Các phương pháp giảm nhẹ ung thư vòm họng rất đa dạng bao gồm thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ tinh thần, cảm xúc và các liệu pháp khác. Người bệnh cũng có thể nhận được các phương pháp điều trị giảm nhẹ tương tự như những phương pháp giúp loại bỏ ung thư, chẳng hạn như hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. |