Ủng hộ quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có thêm động lực phát triển |
Cần thiết có Luật hỗ trợ DN NVV
Tờ trình về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV) do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN NVV đã quy định cụ thể một số chính sách hỗ trợ phát triển DN NVV nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện và còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác nhau. Do đó, hiệu lực thực thi của Nghị định 56 chưa cao, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DN NVV chưa hiệu quả.
Hơn nữa, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp DN NVV còn chậm; nội dung nhiều chương trình trợ giúp DN NVV mang tính chất phát triển ngành, còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau, làm cho các DN NVV chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi.
Bên cạnh đó, cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ DN NVV giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa hiệu quả; Cơ chế báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ; chưa có cơ chế thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển DN NVV, trong khi nguồn ngân sách Trung ương hạn chế...
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV và cần thiết, cụ thể hoá chủ trương tại các Nghị quyết Đại hội Đảng, cụ thể là Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đảng lần thứ XII nêu rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật được xây dựng để hỗ trợ DN NVV phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, đảm bảo không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hỗ trợ DN NVV sử dụng nguồn lực Nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua lựa chọn các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN NVV theo quy định của pháp luật và thông qua thiết lập cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DN NVV; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DN NVV. Tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DN NVV.
Làm rõ mối tương quan với các Luật hiện hành
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với dự án luật, song cũng đề nghị, Chính phủ cần bổ sung việc xử lý xung đột pháp luật giữa dự thảo Luật và các luật chuyên ngành.
Theo đó, dự thảo Luật đang có một số quy định xung đột với các luật khác, như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 11 và Điều 12) liên quan đến Luật các tổ chức tín dụng; về tài sản bảo đảm (điểm c khoản 2 Điều 12) liên quan đến Bộ luật Dân sự; miễn trách nhiệm hình sự (Khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 29) liên quan đến Bộ luật Hình sự; bố trí ngân sách hỗ trợ liên quan đến Luật ngân sách Nhà nước; giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát một số nội dung khác liên quan đến miễn, giảm tiền thuê đất (Điều 14) liên quan đến Luật đất đai; hỗ trợ tham gia mua sắm công (Điều 17) liên quan đến Luật đấu thầu; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường theo Luật thương mại; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung, cơ sở ươm tạo liên quan đến Luật đầu tư…
Tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Cần làm rõ mối quan hệ của các chính sách hỗ trợ trong dự thảo luật này trong mối quan hệ với các luật khác; tính tương thích giữa các quy định của dự thảo Luật so với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các tác động của dự thảo Luật đối với kinh tế - tài chính của đất nước...”.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải thống kê các chính sách hỗ trợ DN NVV hiện nay, nhất là các quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ ra những vướng mắc, những chính sách còn thiếu để hỗ trợ DN NVV phát triển.
Trong khi đó, dẫn lại ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật của một số Bộ, ngành liên quan trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Bộ Tư pháp cho biết, hầu hết các vướng mắc, bất cập trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nằm ở khâu triển khai thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế chính sách và cho rằng, Chính phủ có thể ban hành Nghị định thay vì phải ban hành luật.
Vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án Luật, dù Ban soạn thảo đã mời đại diện các Bộ, ngành tham gia nhưng không nhận được sự phối hợp tích cực, hiệu quả. Bộ trưởng Dũng cũng đánh giá, dù đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DN NVV nhưng thực hiện không hiệu quả là do nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa coi đó là trách nhiệm của mình.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song trong phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ quan điểm hỗ trợ DN NVV phát triển, qua đó tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước.