Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Trong trung tuần tháng 3 vừa qua, CropLife châu Á đã tổ chức chuỗi hội nghị trực tuyến với chủ đề “Ứng dụng thiết bị bay không người lái - Drone trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”. Đây là sự kiện trực tuyến đầu tiên về Drone tại khu vực với sự tham gia của các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, bao gồm đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty sản xuất và ứng dụng thương mại cũng như nhiều chuyên gia trong ngành.
Ông Gustavo Palerosi Carnerio - Chủ tịch CropLife châu Á - cho biết, CropLife và các công ty thành viên cam kết thực hiện nghiêm túc việc sử dụng các công cụ khoa học thực vật và các biện pháp sản xuất nông nghiệp bền vững một cách có trách nhiệm. Drone là một công cụ mới có thể hỗ trợ và củng cố nỗ lực ấy - đồng thời thúc đẩy tiềm năng trong việc đổi mới ngành nông nghiệp của khu vực châu Á.
Thị trường thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp được dự báo sẽ đạt hơn 5,8 tỷ USD vào năm 2026 |
Ông Gustavo chia sẻ thêm, cũng giống như bất kỳ cải tiến nào khác, để có thể ứng dụng hiệu quả nhất các công cụ mới, điều quan trọng là phải đưa ra cách thức để sử dụng chúng có trách nhiệm và tạo ra các chính sách pháp lý phù hợp làm nền tảng. Thông qua diễn đàn lần này, chúng tôi đã tiếp thu được các kiến thức quan trọng qua chia sẻ của các chuyên gia về ứng dụng Drone trong sản xuất nông nghiệp và cả những ứng dụng tiềm năng sẽ có thể có trong tương lai. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục tham gia vào những đối thoại mang tính xây dựng như vậy, và thúc đẩy hợp tác với các cơ quan quản lý và các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng thực phẩm để hỗ trợ việc ứng dụng Drone trong hoạt động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở châu Á một cách có trách nhiệm.
Drone - thiết bị bay không người lái hay UAV - máy bay không người lái đang ngày càng được áp dụng rộng rãi ở cả các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ và lớn trên toàn cầu. Ứng dụng này còn hỗ trợ việc lập bản đồ, khảo sát và theo dõi sự tăng trưởng của cây trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giám sát hệ thống tưới tiêu cũng như chăn thả gia súc.
Theo một báo cáo phát hành gần đây của Industry ARC có tên gọi "Dự báo về Thị trường thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp (2021-2026)" , thị trường này dự kiến đạt hơn 5,8 tỷ USD vào năm 2026.
Ở châu Á, việc ứng dụng Drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang ngày càng trở nên phổ biến bởi những lợi ích mà nó mang lại, có thể kể đến hiệu quả trong việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào; nâng cao độ chính xác của việc phun thuốc; làm giảm lượng nước tiêu thụ; và ít phụ thuộc hơn vào nhân công, dẫn đến các chi phí liên quan thấp hơn.
Tiến sĩ Tan Siang Hee, Giám đốc Điều hành CropLife châu Á, cho biết: "Tất cả chúng ta, với tư cách là các bên liên quan trong chuỗi thực phẩm và nông nghiệp, đều có nhiệm vụ đảm bảo nông dân trong khu vực được tạo điều kiện và hỗ trợ để trồng các loại cây giàu dinh dưỡng cần thiết - từ đó giúp cung cấp nguồn lương thực trong khu vực châu Á một cách an toàn, đảm bảo và bền vững".
"Khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, những công nghệ như Drone có thể làm thay đổi hoàn toàn việc sản xuất nông nghiệp của các nông hộ sản xuất nhỏ ở châu Á. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự tăng trưởng trong việc sử dụng Drone ở khu vực chúng ta phải tương thích với tiến trình xây dựng các quy định pháp lý hợp lý và dựa trên khoa học để hỗ trợ việc sử dụng có trách nhiệm công nghệ đó. Diễn đàn với sự tham gia chia sẻ của các bên liên quan bao gồm cả khu vực công và khu vực tư nhân sẽ là một bước tiến đáng kể trên quá trình đối mới và ứng dụng công nghệ này" - tiến sĩ Siang Hee chia sẻ thêm.
Châu Á là nơi có các trang trại với quy mô sản xuất nhỏ nhất và số lượng nông hộ nhỏ nhiều nhất trên thế giới. Ước tính có 85% trong số 525 triệu nông hộ sản xuất nhỏ trên thế giới đang sống và canh tác tại châu Á. So với nông dân có quy mô nông trại lớn tại các nước phát triển, nông dân ở khu vực châu Á phải đối mặt với những thách thức đặc thù hơn như quyền sở hữu ruộng đất, khả năng tiếp cận tài chính, tình trạng thiếu nhân công và tính sẵn có của các công nghệ mới. Thêm vào đó, những tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo ra thêm những khó khăn và khiến những khó khăn sẵn có mà nông dân nhỏ ở châu Á đang phải đối mặt trở nên trầm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng Drone cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật có khả năng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân khi vừa thúc đẩy sản xuất và nâng cao tính bền vững.
Diễn đàn trực tuyến “Ứng dụng Drone trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” của CropLife châu Á được tổ chức từ ngày 8 - 10/3/2021 và quy tụ hầu hết các chuyên gia công nghệ và các bên liên quan trong ngành trên thế giới và đặc biệt từ khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Diễn đàn bao gồm 7 phiên thảo luận với nhiều chủ đề và góc nhìn khác nhau. Các thảo luận từ góc nhìn của "chính phủ” như: Tác động của chuyển đổi kỹ thuật số đối với các chính sách nông nghiệp của chính phủ; khung quy định về vấn đề phun thuốc bảo vệ thực vật bằng Drone ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; quy trình vận hành tiêu chuẩn an toàn (SOP) trong việc sử dụng Drone để phun thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, những đơn vị phát triển công nghệ và ứng dụng thực địa cũng chia sẻ về quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) - hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng Drone; hiện trạng ứng dụng thương mại của công nghệ Drone trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các nội dung xoay quanh triển vọng phát triển "tương lai".