Chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới |
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Phòng không nhân dân sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương với 55 điều, đã thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về khái niệm “Tàu bay không người lái”, “Phương tiện bay siêu nhẹ” (Khoản 6 và khoản 7), theo ông Lê Tấn Tới - một số ý kiến đề nghị giải thích khái niệm “Tàu bay không người lái” cho đầy đủ hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện khái niệm, có tính bao quát đối với cả taxi bay, motor bay để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, qua nghiên cứu các khái niệm của một số nước và quy định tại Công ước về Hàng không dân dụng năm 1944 (sử dụng thống nhất cụm từ “Tàu bay không người lái” - Điều 8 Công ước), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm này đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay.
Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn từ “siêu nhẹ” trong khái niệm “Phương tiện bay siêu nhẹ”; nếu đã định nghĩa khí cầu trong khái niệm phương tiện bay siêu nhẹ thì phải sửa Luật Hàng không dân dụng để loại ra khỏi khái niệm tàu bay.
Để bảo đảm bao quát, thống nhất với các quy định có liên quan; trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ từ “siêu nhẹ” và xây dựng khái niệm theo hướng liệt kê các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, máy bay trực thăng, tàu bay không người lái.
Đồng thời, để đảm bảo phân biệt và phù hợp với khái niệm “tàu bay” trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa khái niệm “tàu bay” trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam như quy định tại khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật.
Về nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 5), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể độ cao “dưới 5000 mét” vì khó xác định độ cao của máy bay, vật thể bay và khó khăn trong phòng thủ, đánh trả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu phòng chống địch tấn công đường không sẽ có nhiều lực lượng cùng tham gia, không chỉ phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân mà còn có nhiều lực lượng khác, do đó việc phối hợp giữa các lực lượng là rất cần thiết, đảm bảo hiệu quả trong tác chiến, phòng thủ.
Dự thảo Luật quy định phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5000 mét là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khoản này theo hướng không quy định cụ thể các lực lượng mà quy định các nhiệm vụ cụ thể để xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng phòng không nhân dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét.
Về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 26), có ý kiến đề nghị quy định chỉ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được cấp phép sản xuất, nhập khẩu... để đảm bảo quản lý, kể cả vùng trời và khu vực an ninh; ý kiến khác đề nghị rà soát quy định bảo đảm thống nhất với pháp luật về nhập khẩu, xuất khẩu, tạo điều kiện phát triển tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất… trong dự thảo Luật phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành.
Theo đó, Bộ Công Thương quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, nhưng đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay khác, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý về đăng ký, cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời. Đối với trường hợp xuất khẩu thì không quy định phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung khoản 2 quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái và phương tiện bay khác trong phạm vi quản lý.
Về đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 29 dự thảo Luật Chính phủ trình), một số ý kiến nhất trí về việc phân định, phân cấp để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nhưng cũng đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh; có ý kiến đề nghị phân loại hoạt động bay, vùng bay, từ đó phân hóa trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể gắn với từng hoạt động bay, làm rõ quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tách Điều 29 dự thảo Luật Chính phủ trình thành 3 Điều, gồm: Đăng ký tàu bay không người lái và phương tiện bay khác (Điều 28), Cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác (Điều 29), Phân loại, điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay khác (Điều 30) và giao Chính phủ quy định chi tiết các Điều này.
Về cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 29), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay; có ý kiến đề nghị phân định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong đăng ký cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; giao thẩm quyền cho địa phương để quản lý thuận lợi trên từng khu vực bầu trời.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được quy định tại Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện Luật Hàng không dân dụng và Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Khoản 5 Điều 29 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
"Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 2 Điều này, theo đó, đã bổ sung quy định Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác" - ông Lê Tấn Tới cho biết.
Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào loại phương tiện, độ cao, tính chất hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay khác để phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; bổ sung Bộ Công an cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay khác của Bộ Công an và phải thông báo cho Bộ Quốc phòng biết để quản lý vùng trời theo quy định.